Theo Trung tâm dự báo khi tượng thủy văn quốc gia, dự báo hiện tại, bão số 5 (Karathon) không có khả năng ảnh hưởng đến vùng ven biển và đất liền nước ta.
Theo Trung tâm dự báo khi tượng thủy văn quốc gia, sáng sớm 01/10, bão Krathon đã đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 5 trong năm 2024.
Hồi 13 giờ ngày 02/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,9 độ Vĩ Bắc; 119,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/h), giật trên cấp 17; di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, tốc độ 5-10km/h.
Dự báo vị trí và đường đi của Bão số 5 (Krathon). Ảnh NCHMF
Dự báo diễn biến bão số 5 (24 đến 72 giờ tới):
Theo dự báo hiện tại, bão số 5 không có khả năng ảnh hưởng đến vùng biển ven bờ và đất liền nước ta.
Dự báo tác động của bão số 5
Vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông (phía Bắc vĩ tuyến 19,5N; phía Đông kinh tuyến 117,5E) gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão cấp 13-15, giật trên cấp 17, sóng biển cao 8,0-10,0m; biển động dữ dội.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ BÃO SỐ 5
Để chủ động ứng phó với diễn biến, ảnh hưởng của bão, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công điện số 7341/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 30/9/2024 đề nghị các Bộ, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định:
Để chủ động ứng phó với diễn biến, ảnh hưởng của bão, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: Phía Bắc vĩ tuyến 18,0; phía Đông kinh tuyến 116,5 (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của bão đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).
Chuyên gia khuyến cáo ứng phó thời tiết nguy hiểm trong tháng 10/2024
Nhận định về các hình thái thời tiết trong tháng 10/2024, chiều 1/10, Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Đức Hòa cho biết, trong tháng 10, bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền của Việt Nam có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (trung bình nhiều năm trên Biển Đông là 2 cơn, trung bình nhiều năm đổ bộ vào đất liền nước ta là 0,8 cơn).
Nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng khu vực Bắc Bộ phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tổng lượng mưa trên toàn quốc phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, riêng khu vực Trung Bộ tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
"Không khí lạnh tiếp tục có xu hướng hoạt động gia tăng về tần suất và cường độ. Khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn diện rộng. Ngoài ra, mưa dông trên phạm vi cả nước có thể kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh", ông Nguyễn Đức Hòa lưu ý.
Chuyên gia khí tượng thủy văn khuyến cáo, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, dông, lốc xoáy trên biển có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông.
Mưa lớn, dông mạnh kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.
Trước các hình thái thời tiết trên, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực.
Đồng thời cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.
Chính quyền và các đơn vị chức năng cần cung cấp nhanh, kịp thời thông tin dự báo thiên tai cho người dân, vận động, tuyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá...
Người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương./.
Nguồn: chinhphu.vn