Tiền điện có thể lên đến 1,2 triệu đồng/tháng: Công nhân mong được tính giá điện theo quy định

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Tiền điện có thể lên đến 1,2 triệu đồng/tháng: Công nhân mong được tính giá điện theo quy định

Ngoài chi phí phòng trọ, tiền điện cũng chiếm một phần cố định quan trọng trong chi tiêu của công nhân xa quê. Mặc dù có những quy định để người lao động được hưởng giá bán lẻ, song vẫn không ít công nhân thuê nhà đang phải gánh giá điện cao.

Muốn hưởng giá điện bán lẻ

Gia đình anh Nguyễn Huy Du (SN 1982, quê Phú Thọ) thuê nhà gần KCN Thăng Long được hơn 7 năm. Anh Du là lao động tự do, vợ anh là công nhân trong khu công nghiệp. Dịch COVID-19 khiến hai vợ chồng anh phải nghỉ việc, chỉ quanh quẩn trong phòng trọ, thời gian này cũng là lúc gia đình anh Du phải chi nhiều tiền điện, nước sinh hoạt.

“Đợt nghỉ việc ở nhà, giãn cách xã hội tháng 8.2021, gia đình tôi hết gần 400 số điện. Giá điện là 3.500 đồng/số, tính ra hết khoảng gần 1,2 triệu đồng tiền điện tháng đó. Tiền không làm ra chỉ có tiêu, nghĩ lại vẫn thấy kinh khủng” - anh Du nhớ lại.

Xác định sinh sống ở đây lâu dài, nên đồ đạc gia dụng trong phòng trọ của anh cũng nhiều dần lên. Tivi, tủ lạnh, máy giặt, quạt… “ngốn” điện mỗi ngày khiến vợ chồng anh phải chi trả một khoản tiền không nhỏ.

Với công việc của một phụ hồ, anh Du không có thu nhập ổn định, còn vợ anh với mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng phải chi trả nhiều khoản. Những tháng vợ không được tăng ca, thu nhập giảm sút, đã có lúc vợ chồng này phải đi vay hàng xóm tiền để trang trải cuộc sống. Con trai lên lớp 5, để có tiền đóng khoản phí đầu năm học mới, hai vợ chồng anh phải chi tiêu dè sẻn các khoản khác.

“Cảnh đi thuê trọ trả tiền điện theo số, nước tính theo khối hàng tháng là chuyện hiển nhiên, trong dãy trọ của tôi phòng nào cũng như thế. Hưởng tiền điện giá dân như ở quê hoặc các hộ gia đình thì quá tốt nhưng cũng chẳng ai biết phải làm thủ tục thế nào” - anh Du bày tỏ.

Gia đình công nhân thuê trọ phải chịu giá điện từ 3.000-3.500 đồng/1 số điện. Ảnh: Anh Thư

Tăng giá điện sẽ thêm chi phí

Anh Phạm Xuân Liêm - công nhân khu công nghiệp Thăng Long - cho biết, hiện anh đang thuê trọ tại khu nhà ở xã hội tại thôn Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ngoài tiền thuê nhà, mỗi tháng anh cũng mất vài trăm nghìn tiền điện.

Gia đình có hai con nhỏ nên anh Liêm cũng phải sắm sửa đầy đủ đồ đạc như máy giặt, tủ lạnh, tivi… Trong những ngày hè nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, những tháng đó, anh Liêm rất xót ruột mỗi khi trả tiền tiện.

“Tôi thấy may mắn hơn nhiều gia đình công nhân khác khi được kí hợp đồng trực tiếp với bên điện lực. Chúng tôi sẽ trả tiền điện theo giá bậc thang. Như vậy, khoản tiền này cũng không quá lớn. Những công nhân khác phải chịu từ 3.000-3.500 đồng/số điện thì cuối tháng sẽ mất rất nhiều tiền”, anh Liêm nói.

Theo công nhân này, nhiều đồng nghiệp khác của anh do thuê phòng trọ, chủ nhà phải chịu giá điện kinh doanh nên sẽ tự quy định giá điện. Nếu nhân lên với số điện đã dùng, mỗi tháng công nhân chi cho tiền điện khoảng 1/10 tổng thu nhập. Với đề xuất tăng giá điện của cơ quan liên quan, người lao động sẽ thêm nhiều áp lực.

Bà Nguyễn Thị Liên - chủ nhà trọ ở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) - cho biết, gia đình bà có 12 phòng trọ được xây dựng từ năm 2001 cho công nhân thuê. “Ngoài việc cho thuê trọ, tôi cũng buôn bán kinh doanh ngoài nên có những trường hợp công nhân quá khó khăn tôi đã giảm tiền trọ hoặc cho họ nợ 3 tháng chưa yêu cầu đóng. Gia đình tôi lấy 2.500 đồng/số điện - so với mặt bằng chung tiền điện trong khu vực thì giá trên đã thấp hơn rất nhiều” - bà Liên nói.

Theo chủ một số nhà trọ khác, khu vực xã Kim Chung là nơi phần lớn công nhân, người lao động xa quê thuê trọ. Không ít chủ trọ “mạnh tay” thu 3.000-3.500 đồng/số điện. Dịp nắng nóng vừa qua, không ít gia đình công nhân phải trả tiền điện từ 1-1,2 triệu đồng/tháng. “Vì tôi lấy giá điện thấp hơn nên những công nhân thuê trọ nhà tôi cũng không có nhu cầu hưởng điện theo giá bán lẻ. Bởi những người lao động ở một mình thì mỗi tháng chỉ hết khoảng 200.000 đồng” - bà Liên nói./.

Nguồn: Anh Thư-Lương Hạnh/laodong.vn