Theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng. Lượng tiền gửi tháng 2 tăng hơn 56.400 tỉ đồng so với tháng 1.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số liệu về tổng phương tiện thanh toán, tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2.
Cụ thể, tổng phương tiện thanh toán cuối tháng 2 đạt hơn 13,6 triệu tỉ đồng, tăng 1,81% so với cuối năm 2021.
Tiền gửi của khách hàng đạt hơn 1,1 triệu tỉ đồng, tăng 1,38% so với đầu năm. Đóng góp cho con số này là nhờ nhóm khách hàng dân cư.
Cụ thể, tiếp tục duy trì đà tăng kể từ tháng 11 năm ngoái, tiền gửi dân cư trong tháng 2 đạt 5,46 triệu tỉ đồng, tăng hơn 56.400 tỉ đồng so với cuối tháng 1 và tăng hơn 159.600 tỉ đồng so với cuối năm 2021.
Trái với xu hướng tăng của tiền gửi nhóm dân cư, tiền của các tổ chức kinh tế khoảng 5,63 tỉ đồng, giảm 0,16% so với cuối năm 2021, tương đương giảm 8.869 tỉ đồng.
Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi từ dân cư vào ngân hàng tiếp tục tăng trong 4 tháng trở lại đây
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhận định các con số trên thể hiện tín hiệu tích cực của nền kinh tế.
Theo đó, tiền gửi từ các tổ chức kinh tế giảm cho thấy hoạt động sản xuất - kinh doanh đang dần phục hồi và phát triển sau 1 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Doanh nghiệp ưu tiên tập trung vốn đầu tư vào dự án, mở rộng nhà máy, nhập thêm nguyên vật liệu…
Còn tiền nhàn rỗi của dân cư đổ về ngân hàng ngay những tháng đầu năm một phần do các tổ chức tín dụng đã tăng nhẹ lãi suất huy động. Việc gửi tiết kiệm vào ngân hàng cũng vẫn được xem là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả với nhiều người, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán có những biến động như gần đây.
Thống kê sơ bộ tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa từ đầu năm đến giữa tháng 4, Tổng cục Hải quan cho biết trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 208,8 tỉ USD, tăng 15,4%, tương ứng tăng 27,8 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu đạt 104,3 tỉ USD, tăng hơn 13 tỉ USD và nhập khẩu đạt 104,4 tỉ USD, tăng 14,7 tỉ USD. Như vậy, lũy kế đến hết 15-4-2022, cả nước nhập siêu 144 triệu USD.
Các mặt hàng chủ lực mà Việt Nam xuất khẩu chủ yếu vẫn là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, dệt may... ; nhập khẩu là máy móc nguyên liệu phụ tùng sản xuất ngành điện tử như điện thoại, máy vi tính.../.
Nguồn: L.Thanh/tuoitre.vn