Thiếu quỹ đất sạch để đem ra bán đấu giá

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Thiếu quỹ đất sạch để đem ra bán đấu giá

Thủ tục đền bù giải tỏa cũng như thủ tục để triển khai một dự án bất động sản rất khó khăn với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, TPHCM lại đang thiếu quỹ đất sạch, pháp lý rõ ràng để có thể đem ra bán đấu giá.

 

Khi có quỹ đất sạch đưa ra đấu giá thì các doanh nghiệp quan tâm rất nhiều vì không phải mất thời gian, chi phí làm thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung đang không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp tham gia đấu giá.

Ông Ngụy Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TPHCM cho biết hiện nay, nguồn đất sạch, pháp lý rõ ràng tại thành phố được đưa ra bán đấu giá rất ít. Từ năm 2013 đến nay, ngoài khu đất 23 Lê Duẩn thì chỉ có 4 lô đất tại Thủ Thiêm được đưa ra bán đấu giá.

Thiếu quỹ đất sạch để đem ra bán đấu giá

TPHCM đang thiếu trầm trọng quỹ đất sạch để đem bán đấu giá. Ảnh: N.Tiến

Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn 51 lô đất với diện tích khoảng 79,3 ha đủ điều kiện đấu giá. Trong đó, có 6 lô đất tại khu 2C thuộc khu chức năng số 1, bao gồm hai lô được quy hoạch Trung tâm hội nghị triển lãm và một lô ký hiệu 7.1 được quy hoạch khách sạn nghỉ dưỡng đủ điều kiện có thể đưa ra đấu giá vào đầu năm 2022. Bên cạnh đó, thành phố đang chuẩn bị cho phép bán đấu giá 3.790 căn hộ nhà chung cư, có nguồn gốc là nhà tái định cư từ Lô R1 đến R5 tại phường Bình An, liền kề Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng nguồn cung này là quá ít. Thêm vào đó, sau vụ việc các doanh nghiệp tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm bỏ giá rất cao rồi bỏ cọc cũng đang khiến cho việc đấu giá bị chậm lại và đặt ra nhiều vấn đề. 

Ông Ngụy Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM  cho rằng nhiệm vụ của trung tâm khi tổ chức bán đấu giá tài sản là làm sao tạo ra được sân chơi lành mạnh cho các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá. Bên cạnh đó, làm sao bán được giá cao nhất có thể nhằm tăng nguồn thu cho thành phố. Sau đấu giá, doanh nghiệp và thành phố cũng mong muốn dự án được triển khai ngay, doanh nghiệp muốn sớm được chấp thuận chủ trương đầu tư. 

Sau vụ 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm, thành phố đã cam kết tạo mọi điều kiện nhưng đã có trường hợp đáng tiếc về hai doanh nghiệp hủy hợp đồng trúng đấu giá, bỏ cọc. Về năng lực tài chính, nhà đầu tư phải xác định được năng lực tài chính của mình trước khi tham gia đấu giá. Điều này cũng đã có quy định cụ thể. Thứ hai là phải xác định được giá trị của khu đất, bởi khi doanh nghiệp không đủ tài chính mà bỏ cọc, xin gia hạn sẽ làm ảnh hưởng đến thu ngân sách, lãng phí tài nguyên đất đai, ông Thắng nêu quan điểm.

Câu chuyện năng lực tài chính cũng là vấn đề mà hai doanh nghiệp còn lại ở vụ đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua đang gặp phải. Cụ thể theo thông tin mới nhất mà chúng tôi có được về hai lô đất đấu giá còn lại thì Cục Thuế TP.HCM cho biết đã nhận được văn bản của Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega thông báo về việc nộp tiền trúng đấu giá đất. Theo đó, hai doanh nghiệp này nói rằng do cơ quan thuế không đồng ý cho trả góp nên Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega sẽ thu xếp tài chính để nộp tiền trong thời hạn 180 ngày. Trước mắt, hai công ty này sẽ nộp 100 tỉ đồng trước ngày 30.4 nhằm "thể hiện thiện chí" thực hiện dự án.

Cục thuế TPHCM cũng đã gửi thông báo nhắc nợ đến hai doanh nghiệp này về số tiền phải nộp đợt 1 vào ngân sách trước ngày 6.5 tới. Sau thời hạn này, sẽ cưỡng chế tài khoản ngân hàng theo quy định của Luật Quản lý thuế, vì tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định. Hiện cơ quan thuế vẫn đang tính tiền chậm nộp theo quy định là 0,03%/ngày. Việc tính chậm nộp cho đợt đầu tiên đã áp dụng từ ngày 6.2. Từ ngày 7.4, doanh nghiệp bị tính thêm tiền nộp chậm đợt 2. Hiện nay số tiền chậm nộp hai doanh nghiệp này phải trả là hơn 2,3 tỉ đồng/ngày./.

Nguồn: Gia Miêu/laodong.vn