Thiếu an toàn từ việc sử dụng nước ngầm trong sinh hoạt

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Thiếu an toàn từ việc sử dụng nước ngầm trong sinh hoạt

Chuyên gia đánh giá việc sử dụng nước ngầm trong sinh hoạt là thiếu an toàn, nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, gây ra nhiều hệ lụy. Lý do là nguồn nước ngầm đang bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn.

Để hướng tới việc khai thác nguồn nước an toàn, bền vững, bảo vệ nguồn nước ngầm cần sự chung tay thực hiện của nhiều cơ quan, đơn vị và cả cộng đồng.

Bên trong nhà máy nước Thủ Đức (TP.Thủ Đức, TP.HCM) - đơn vị trực tiếp sản xuất nước sạch của SAWACO - ẢNH: LÊ TRỌNG

Những cảnh báo về sức khỏe

Ông Huỳnh Thanh Nhã, Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biển đảo (Sở TN-MT TP.HCM) cho hay, hiện nay vẫn còn một lượng lớn nước ngầm do người dân và các cơ sở, doanh nghiệp khai thác sử dụng.

Thạc sĩ Đào Phú Khánh, Phó trưởng khoa Sức khỏe - Môi trường - Y tế trường học (Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM) đã nêu ra những cảnh báo đối với việc sử dụng nước ngầm trong sinh hoạt, tại tọa đàm “Đảm bảo nguồn cung nước sạch - Hạn chế khai thác nước ngầm” do Tổng công ty TNHH MTV cấp nước Sài Gòn (SAWACO) phối hợp Báo Tuổi Trẻ tổ chức vào ngày 27.4.

Thạc sĩ Đào Phú Khánh cho biết, hiện nay một bộ phận người dân vẫn còn xài nước giếng vì thói quen dùng đã lâu, tâm lý ngại chi phí... Tuy nhiên, theo thạc sĩ Khánh, có khoảng 70% trong số 398 mẫu nước ngầm qua khảo sát trên địa bàn TP.HCM đều không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn để sử dụng… Chính việc sử dụng nguồn nước kém chất lượng không chỉ dẫn đến các căn bệnh cấp tính như dị ứng, ngứa, tiêu hóa, tình trạng xanh xao (đặc biệt với trẻ dưới 2 tuổi)..., mà về lâu dài, còn có thể gây ra các bệnh mạn tính về gan, thận…

Thạc sĩ Đào Phú Khánh khuyến cáo, người dân nên ngừng sử dụng nước giếng, thay vào đó cần ưu tiên sử dụng nguồn nước sạch sinh hoạt do mạng lưới cấp nước của TP.HCM cấp. Đối với những nơi sử dụng nước ở vùng sâu, vùng xa, người dân nên đun sôi nước để nguội và uống, vệ sinh bồn định kỳ, tránh xâm nhập của sinh vật xung quanh.

Đảm bảo cung ứng đủ nguồn nước an toàn

Ông Trần Quang Minh, Tổng giám đốc SAWACO cho biết, theo chủ trương của TP.HCM, SAWACO đang thực hiện lộ trình giảm khai thác nước ngầm. Trước đây, SAWACO khai thác 130.000 m3/ngày. Sau đó, đơn vị phát triển công nghệ xử lý nước, quản lý tốt hơn hệ thống cấp nước thì việc khai thác nước ngầm giảm dần, phấn đấu giai đoạn 2024 - 2025 giảm lượng khai thác nước ngầm (đưa vào nhà máy xử lý thành nước sinh hoạt) còn 30.000 m3/ngày.

Qua việc phát triển mạng lưới cấp nước, theo ông Trần Quang Minh, TP.HCM vẫn còn đến khoảng 160.000 đồng hồ nước được lắp đặt nhưng không sử dụng, chiếm tỷ lệ khoảng 12%, chủ yếu nằm ở nhiều khu dân cư thuộc H.Hóc Môn, H.Bình Chánh, Q.12, Q.Tân Bình…; trong khi chi phí lắp đặt do SAWACO chi trả tới từ 3 - 5 triệu đồng/đồng hồ.

“Nước ngầm nên được xem xét khai thác hiệu quả, nên được coi như nguồn dự trữ chính, dự phòng các sự cố có thể gây ra, nhất là cho việc thích ứng biến đổi khí hậu”

PGS-TS Hà Quang Khải khuyến nghị

Thực tế, việc sử dụng nước ngầm không chỉ có hộ dân mà còn một bộ phận đáng kể là các công ty, doanh nghiệp trong các khu chế xuất - khu công nghiệp. Vì vậy, SAWACO kiến nghị có bảng giá nước linh hoạt, áp dụng với các khu vực này để khuyến khích sự chuyển dịch sang sử dụng nước sạch.

Nếu số người dân đang sử dụng nước giếng chuyển sang sử dụng nước sạch sinh hoạt, thì SAWACO có đáp ứng được không? Về vấn đề này, ông Trần Quang Minh cho biết, theo mục tiêu của SAWACO giai đoạn 2020 - 2025 sẽ nâng tổng công suất hệ thống cấp nước sạch từ 2,4 triệu lên 2,9 triệu m3/ngày đêm, thế nên dư công suất để đảm bảo nước sạch sinh hoạt cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.

Theo PGS-TS Hà Quang Khải, Khoa Môi trường và Tài nguyên, Trường đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM, việc khai thác quá mức nước ngầm đã làm cho mực nước ngầm bị hạ thấp, gây những hệ quả đi kèm như sụt lún mặt đất, rủi ro trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động nhiều ở nước ta./.

Nguồn: Lê Trọng/thanhnien.vn