Hai nước Đông Âu là Gruzia và Moldova đã chính thức đệ đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) sau động thái gần đây của Ukraine.
Sau Ukraine, thêm 2 nước Đông Âu là Gruzia và Moldova đã chính thích đệ đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Động thái của 2 nước này được đưa ra trong thời điểm EU đang tìm cách thể hiện tinh thần đoàn kết đối với Ukraine giữa lúc căng thẳng leo thang tại quốc gia này.
Tuy nhiên, theo Fianancial Times, vấn đề này đã "khuấy động" một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất của liên minh. Trong đó, đã có những chia rẽ sâu sắc bên trong EU về việc mở rộng quy mô. Một số quốc gia thành viên, chủ yếu là Đông Âu, coi việc mở rộng là một phương tiện để ổn định khu vực, trong khi những quốc gia khác lo ngại rằng các nước nộp đơn xin gia nhập thiếu ảnh hưởng kinh tế, các giá trị dân chủ và thông tin pháp quyền để duy trì sự thống nhất.
Sau Ukraine, Gruzia và Moldova đã nộp đơn xin gia nhập EU. Ảnh: AA
Mong muốn của Ukraine, Gruzia và Moldova về việc đẩy nhanh quá trình gia nhập liên minh cũng có thể sẽ làm tăng yêu cầu từ các ứng viên EU hiện tại, đặc biệt là các nước ở Tây Balkan, những người đã chờ đợi 18 năm chỉ để được gia nhập EU.
Đầu tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã chính thức ký đơn xin gia nhập EU trong lúc quân đội nước này đang đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Sau khi Nghị viện châu Âu thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine, Moldova và Gruzia cũng đã đệ đơn xin gia nhập liên minh vào ngày 3/3.
Cả 3 nước này đều là thành viên của chương trình Đối tác phía Đông của EU và có các hiệp định liên kết với khối, cấp quyền tiếp cận thương mại ưu đãi cùng các lợi ích khác.
Hôm 2/3, Tổng thống Gruzia Salome Zourabichvili đã nói với Financial Times rằng EU cần phải đẩy nhanh quá trình kết nạp nước này làm thành viên để bảo vệ trước nguy cơ Nga có thể mở rộng chiến dịch quân sự sang nước này. Đồng thời, bà lưu ý rằng việc EU không rõ ràng trong quyết định kết nạp Ukraine có thể đã góp phần gây nên cuộc khủng hoảng hiện nay.
Các đơn xin gia nhận của Ukraine, Moldova và Georgia dự kiến sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức với 27 nguyên thủ quốc gia và chính phủ của EU ở Versailles (Pháp) vào tuần tới.
Trước đó, các nhà lãnh đạo EU đã công khai ủng hộ Ukraine trong nỗ lực trở thành thành viên của liên minh. Trong số đó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 26/2 từng khẳng định Ukraine là "một trong số chúng tôi" và bà nói EU muốn kết nạp Ukraine làm thành viên.
Tuy nhiên, quá trình trở thành thành viên EU rất phức tạp và không phụ thuộc vào quyết định của chủ tịch của ủy ban./.
Nguồn: Minh Hạnh (Theo Fianancial Times)/doisongphapluat.com