Trăng tròn tối mai sẽ lớn và sáng hơn bất kỳ đợt trăng tròn nào trong năm 2022 do trùng với thời điểm Mặt Trăng ở gần Trái Đất nhất.
Vào 17h ngày 13/7 theo giờ Hà Nội, Mặt Trăng sẽ tiến tới điểm gần Trái Đất nhất trong năm 2022 gọi là cận điểm, ở cách hành tinh 357.264 km. Sau 9 giờ và 38 phút, trăng tròn. Siêu trăng sẽ đạt đỉnh khi Mặt Trăng ở đúng cận điểm.
Lần trăng tròn này còn được gọi là trăng hươu (buck moon) do hươu đực mọc đầy đủ sừng trong tháng 7. Sừng của hươu đực rụng và mọc lại mỗi năm, trở nên ngày càng lớn hơn khi chúng già đi. Để quan sát Mặt Trăng rõ nhất, Noah Petro, giám đốc Phòng thí nghiệm địa lý, địa vật lý và địa hóa học của NASA khuyên người dân nên tránh khu vực bao quanh bởi rừng rậm và nhà cao tầng.
Trăng hươu phía sau tòa nhà Empire State ở New York vào ngày 13/7/2021. Ảnh: CNN
Siêu trăng sẽ lớn hơn 14% và sáng hơn 30% so với khi Mặt Trăng nằm ở củng điểm - điểm xa Trái Đất nhất trên quỹ đạo. Hiệu ứng này sẽ được phóng đại vào lúc Mặt Trăng ở gần đường chân trời khi mọc hoặc lặn. Đó là do hiện tượng mang tên Ảo giác Mặt Trăng. Các nhà khoa học NASA đưa ra một số giả thuyết lý giải tại sao Mặt Trăng có vẻ lớn hơn khi ở gần đường chân trời. Theo NASA, có thể cây cối, dãy núi và những tòa nhà đánh lừa não bộ, khiến bạn nghĩ rằng Mặt Trăng ở gần và to hơn.
Theo sách niên giám Old Farmer's Almanac, thế giới sẽ đón thêm một lần nguyệt thực toàn phần và một lần nhật thực bán phần trong năm 2022. Nhật thực bán phần xảy ra khi Mặt Trăng đi qua phía trước Mặt Trời và chặn một phần ánh sáng của ngôi sao. Nhật thực bán phần diễn ra hôm 25/10 và chỉ có thể quan sát từ Greenland, Iceland, châu Âu, đông bắc châu Phi, Trung Đông, Tây Á, Ấn Độ và phía tây Trung Quốc. Nguyệt thực toàn phần sẽ có thể quan sát ở châu Á, Australia, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ vào ngày 8/11.
Nguồn: An Khang (Theo Independent/CNN)/vnexpress.net