Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có tờ trình về việc điều chỉnh bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học theo hướng gắt gao hơn đối với hoạt động bán trú.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đã cơ bản kiểm soát ở các trường học, các hoạt động bán trú cần được tổ chức an toàn trong điều kiện bình thường mới nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, sở GD&ĐT TP.HCM vừa có tờ trình về dự thảo điều chỉnh bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong trường học.
Tại tờ trình này, sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất điều chỉnh ở cả 3 bộ tiêu chí đối với cơ sở giáo dục mầm non; giáo dục phổ thông; trung tâm ngoại ngữ, tin học, các cơ sở giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa.
Ngoài các yếu tố thành phần để đánh giá điều kiện mở cửa trường học, bộ tiêu chí an toàn mới có một điều kiện bắt buộc về việc tổ chức bán trú.
Cụ thể, nhà trường phải đảm bảo an toàn thực phẩm; khu vực chế biến có nơi rửa tay, đủ nước sạch, xà phòng; đủ dụng cụ ăn uống riêng cho trẻ; nước uống hợp vệ sinh; thực phẩm chế biến sẵn được vận chuyển an toàn, hợp vệ sinh.
Không tổ chức cho trẻ ăn tại nhà bếp hoặc nhà ăn; tổ chức ăn theo nhóm, lớp hoặc theo suất ăn riêng; hướng dẫn trẻ rửa tay, giữ vệ sinh khi ăn uống; đảm bảo thông thoáng, giãn cách trong giờ ngủ trưa.
Về khoảng cách học sinh và giáo viên, tiêu chí cũ yêu cầu từ 1 m trở lên, nay được tính theo mật độ người/m2, với yêu cầu đảm bảo 1,25-1,5 m2 mỗi người, tùy cấp học.
Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có tờ trình về việc điều chỉnh bộ tiêu chí an toàn trong trường học. Ảnh minh họa: GD&TĐ
Với cơ sở giáo dục mầm non, sở GD&ĐT đề xuất bãi bỏ tiêu chí quy định về khoảng cách 1m trong lớp và 2m ngoài lớp; quy định về tiêu chí hoạt động trước và sau 16h30 tại cơ sở giáo dục mầm non.
Tiêu chí tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 trong nhà trường trước đây chỉ tính trên số cán bộ, giáo viên, nhân viên, thì nay điều chỉnh tính cả học sinh. Điều chỉnh này dựa theo cách đánh giá của ngành Y tế về mức độ nguy cơ theo tỷ lệ tiêm vacccine của người dân trên một địa bàn.
Trong trường học, tiêu chí này là tổng số người trong trường phải gồm cả học sinh bởi hiện phần lớn học sinh lớp 7-12 đã được tiêm vaccine, trẻ 5-12 tuổi (từ lớp 6 trở xuống) chuẩn bị tiêm.
Đối với bậc Tiểu học, sở GD&ĐT TPHCM đề xuất tỷ lệ tiêm học sinh vaccine đạt từ 75% trở lên, trong đó tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên tiêm đủ liều.
Còn cấp trung học, trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở giáo dục đào tạo kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khoá trên địa bàn TP, giáo viên, cán bộ, nhân viên học sinh đạt làm việc và học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục tỉ lệ tiêm chủng đạt 95% trở lên.
Bộ tiêu chí an toàn cũng bổ sung điều kiện trường có nhân viên y tế, nhằm đánh giá đúng vai trò của nhân viên y tế trường học trong công tác phòng dịch tại cơ sở giáo dục./.
Nguồn: Bạch Hiền (t/h)/doisongphapluat.com