Tạm dừng phiên tòa xử Trương Mỹ Lan để làm rõ các tình tiết

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Tạm dừng phiên tòa xử Trương Mỹ Lan để làm rõ các tình tiết

Ngày 12.11, phiên tòa phúc thẩm Trương Mỹ Lan tạm dừng để Viện Kiểm sát đánh giá thêm các tình tiết mới liên quan đến tài sản và phương án khắc phục thiệt hại.

Ngày 12.11, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TPHCM đã mở phiên phúc thẩm xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 47 bị cáo khác trong giai đoạn 1 của vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Theo dự kiến, sáng nay Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Cấp cao tại TPHCM sẽ phát biểu quan điểm luận tội và đề xuất mức án đối với các bị cáo. Tuy nhiên, bước vào phiên tòa, đại diện VKSND đã yêu cầu Hội đồng xét xử (HĐXX) quay lại phần xét hỏi để làm rõ thêm một số vấn đề dân sự liên quan đến việc khắc phục hậu quả vụ án. Sau khi hội ý, HĐXX đã chấp thuận và quay lại phần xét hỏi.

Trả lời thẩm vấn của chủ tọa và đại diện VKSND, bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) tiếp tục phủ nhận hành vi rút, chiếm đoạt tiền của Ngân hàng SCB cũng như vai trò điều hành, chi phối mọi hoạt động của Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, bị cáo Lan xin nhận toàn bộ trách nhiệm trong vụ án.

Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Anh Tú

Về phương án khắc phục hậu quả, bị cáo cho biết, tại bản án sơ thẩm, bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi hoàn cho SCB 673.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, bị cáo ước lượng tổng số tiền mà các tổ chức cá nhân phải trả cho bị cáo là khoảng 21.000 tỉ đồng… Từ đó, bị cáo đề nghị cơ quan chức năng đối chiếu và có biện pháp thu hồi để đảm bảo cho việc thi hành án.

Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan bất ngờ thay đổi ý kiến và tự nguyện đồng ý đưa dự án 6A (khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh, TPHCM) vào danh sách tài sản để xử lý, khắc phục hậu quả vụ án.

Bị cáo cho biết dự án 6A không phải là tài sản bảo đảm cho bất kỳ khoản vay nào tại Ngân hàng SCB mà thuộc một trong 5 phương án tái cơ cấu của ngân hàng. Theo lời bị cáo, dự án 6A trước đây đã được SCB sử dụng để phục vụ quá trình tái cơ cấu và từng có người trả giá khoảng 40.000 tỉ đồng. Do đó, bị cáo hi vọng SCB sẽ hợp tác trả lại dự án này để bị cáo có thêm nguồn tài sản phục vụ việc khắc phục thiệt hại.

Bên cạnh dự án 6A, bị cáo cũng cam kết sử dụng 658 mã tài sản đang bị kê biên để khắc phục hậu quả, dù chúng không thuộc dạng tài sản đảm bảo cho các hợp đồng tín dụng hiện tại.

Đối với số tiền 5.000 tỉ đồng đã đưa vào tăng vốn điều lệ cho SCB (số tiền này của bị cáo Trương Mỹ Lan và có khoảng 150 tỉ đồng là của các cổ đông khác), bị cáo khẳng định mình toàn quyền đại diện để đòi lại và xử lý số vốn này.

Trả lời phần đối chất bị cáo Lan, đại diện SCB xác nhận rằng, dự án 6A không đảm bảo khoản vay nào tại ngân hàng và đồng ý với ý kiến của bị cáo Lan về việc đưa dự án này vào danh mục xử lý khắc phục. Tuy nhiên, SCB cũng đề nghị tòa giao quyền quản lý dự án 6A cho ngân hàng.

Về khoản tiền 5.000 tỉ đồng mà bị cáo Lan đề cập, đại diện SCB cho rằng, trên hồ sơ tài liệu của SCB chưa ghi nhận, nhưng SCB có nhận số tiền này nhưng không rõ toàn bộ có phải của bị cáo Trương Mỹ Lan hay không. Số tiền này đã được “hòa vào dòng tiền” của SCB. SCB sẽ rà soát và trả lời bằng văn bản.

Trước những tình tiết mới xuất hiện, đại diện VKSND Cấp cao đã đề nghị tòa phúc thẩm cho tạm dừng phiên tòa để có thời gian đánh giá và xem xét kỹ lưỡng trước khi phát biểu quan điểm luận tội và đề nghị mức án. Sau khi hội ý, tòa quyết định tạm dừng phiên tòa đến ngày 15.11 sẽ tiếp tục xét xử./.

Nguồn: Anh Tú/laodong.vn