Lợi dụng các thông tin liên quan đến cập nhật sinh trắc học tài khoản, cùng nhiều chiêu trò lừa đảo online đang biến hóa khiến người dân mất cảnh giác có thể bị mất tiền bất cứ lúc nào.
Quy định chuyển tiền trên 10 triệu đồng phải xác định bằng sinh trắc học đã giúp hạn chế tình trạng lừa đảo, nhưng thực tế hiện nay tình trạng lừa đảo trực tuyến vẫn hết sức nhức nhối.
Giả mạo nhân viên ngân hàng để lừa đảo
Theo đại diện Vụ Thanh toán - Ngân hàng (NH) Nhà nước, tính đến giữa tháng 8.2024, đã có khoảng 38 triệu tài khoản NH được thu thập dữ liệu sinh trắc học đối chiếu với dữ liệu, trong đó có gần 4 triệu ví điện tử. Việc thực hiện đăng ký sinh trắc học đã có đóng góp tích cực giúp hạn chế tình trạng lừa đảo, gian lận trên không gian mạng và được các khách hàng ủng hộ.
Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên, ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia an ninh mạng phụ trách dự án Chongluadao.vn, cho biết: "Vào tháng 6, tháng 7, thời hạn phải cập nhật sinh trắc học khi chuyển khoản có hiệu lực, số vụ báo cáo lừa đảo trực tuyến tăng vọt, đến nay mặc dù số vụ lừa đảo hướng dẫn cài đặt sinh trắc học đã giảm bớt nhưng thực tế vẫn còn xảy ra rất nhiều. Họ giả mạo nhân viên NH, chuyên gia tư vấn thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo để hỗ trợ cài đặt nhận diện khuôn mặt. Mục đích của đối tượng là yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, các thông tin bảo mật của dịch vụ NH trực tuyến, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt khách hàng… hoặc có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ. Qua đó, chúng dẫn dụ khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, hoặc yêu cầu truy cập đường link lạ với mục đích xâm nhập điện thoại và chiếm quyền điều khiển".
Quy định cập nhật sinh trắc học vào tài khoản ngân hàng cũng bị lợi dụng để lừa đảo - ẢNH: NHẬT THỊNH
Hình thức lừa đảo này vốn đã rất phổ biến tại VN, từng giả mạo các ứng dụng nổi tiếng như VNeID, ứng dụng thuế hay bảo hiểm xã hội. Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và hợp tác quốc tế (Hiệp hội An ninh mạng quốc gia), đánh giá: "Việc xác thực sinh trắc học để hạn chế các tài khoản rác trung gian, tức là nếu nạn nhân có chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo thì tiền vẫn nằm ở đó và có khả năng lấy lại do đối tượng lừa đảo không chuyển đi tiếp được. Tuy nhiên thực tế, vẫn còn nguy cơ các đối tượng lừa đảo thuê người lập tài khoản và thuê chính những người này thực hiện việc chuyển tiền cho chúng. Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động nhận biết các hình thức lừa đảo, cũng như tăng cường giáo dục pháp luật cho người dân để không tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo như cho thuê tài khoản, làm thuê việc chuyển tiền…".
Tính lừa cả chuyên gia chống lừa đảo
Trả lời Thanh Niên, một chuyên gia an ninh mạng cho biết: "Thực tế các đối tượng lừa đảo có nhiều chiêu trò để dẫn dụ người dân tự nguyện chuyển khoản, khi đó dù có sinh trắc học thì cũng không thể nào ngăn cản được".
Một trong những hình thức lừa đảo trực tuyến bùng phát gần đây là mua hàng online giá rẻ, hoặc tặng quà tri ân. Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) mới đây đã ghi nhận trường hợp bà C. (sinh năm 1964, ngụ Q.Tây Hồ, Hà Nội) bị lừa vì chiêu trò tặng quà này. Cụ thể, bà C. thấy trên mạng xã hội Facebook quảng cáo nội dung "YODY Thời Trang Mọi Nhà" tặng quà Ngày phụ nữ VN 20.10 cho khách hàng. Khi liên hệ, bà C. được hướng dẫn thực hiện một số nhiệm vụ để có cơ hội nhận tiền và các phần quà. Do cả tin, bà C. đã chuyển cho đối tượng khoảng 50 triệu đồng để làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, đối tượng lừa đảo tiếp tục yêu cầu nạn nhân chuyển thêm tiền để nhận được phần quà lớn hơn. Khi bà C. đến NH để chuyển thêm 40 triệu đồng thì nhân viên cảnh giác và tìm hiểu câu chuyện. Sau khi được cán bộ công an phường và nhân viên NH thuyết phục, phân tích về thủ đoạn lừa đảo, bà C. đã dừng chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo trên.
Mới đây, lợi dụng việc điện thoại iPhone 16 ra mắt thị trường, lập tức nhiều đối tượng đã đăng thông tin quảng cáo bán điện thoại iPhone 16 với mức giá ưu đãi trên các nền tảng mạng xã hội. Các đối tượng tạo lập tài khoản ảo, sử dụng ảnh đại diện là logo Apple và đăng tải bài viết với nội dung: "Đặt mua sớm iPhone 16 để nhận được nhiều ưu đãi" đính kèm đường link dẫn tới trang web giả mạo. Sau khi truy cập những đường link, người dùng sẽ được chuyển hướng tới trang web giả mạo với giao diện gần giống trang web chính thống của Apple. Để đặt hàng, nạn nhân sẽ phải cung cấp các thông tin như số điện thoại, địa chỉ nhà, số thẻ NH và mã bảo mật để đặt mua. Với thủ đoạn này, các đối tượng dễ dàng chiếm đoạt tiền mà nạn nhân không hề hay biết.
Đại diện Cục An toàn thông tin phân tích: "Người dân cần nâng cao cảnh giác khi thực hiện mua sắm trực tuyến, tuyệt đối không truy cập các đường link lạ, không tham gia mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không rõ nguồn gốc hoặc giả mạo. Cẩn trọng xác minh danh tính của người bán trước khi mua, tỉnh táo trước những quảng cáo sản phẩm với mức giá rẻ bất thường".
Ngoài ra, tình trạng giả mạo shipper để lừa đảo mặc dù đã được Thanh Niên cảnh báo nhưng nhiều trường hợp mạo danh lừa đảo vẫn tiếp diễn. Ngay chính chuyên gia chống lừa đảo Vũ Ngọc Sơn cũng vừa gặp một trường hợp bị shipper giả tìm tới. Ông Sơn kể: "Mới đây, tôi có nhận được các cuộc gọi giả danh shipper. Mặc dù trong nghề nghiệp của mình tiếp xúc các cuộc gọi này không ít, tuy nhiên cũng hết sức ngạc nhiên với sự tinh vi và "chân thật" của các shipper giả mạo này. Cũng may cuộc gọi này vào buổi sáng, độ cảnh giác của tôi rất cao, nếu không rất dễ bị sập bẫy chuyển tiền cho chúng".
Số liệu từ hệ thống của Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cho thấy khoảng 2 tháng gần đây, danh sách website giả mạo thương hiệu với mục đích lừa đảo đều có tên các trang giả mạo Công ty chuyển phát G.H.T.K và các sàn thương mại điện tử lớn như Ti., Sho., La... Rõ ràng nạn giả mạo shipper không còn là những trường hợp đơn lẻ mà đã trở thành thủ đoạn lừa gạt hữu hiệu./.
Nguồn: Đinh Đang/thanhnien.vn