Số bệnh nhi khám, nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM do mắc các bệnh hô hấp đang gia tăng. Phần lớn bệnh nhi nhập viện thuộc nhóm dưới 5 tuổi với các bệnh như viêm phổi, viêm tiểu phế quản cấp, hen…
Thống kê từ khoa hô hấp 1 Bệnh viện Nhi đồng 2 trong khoảng 2 tuần qua, lượng bệnh nhi tới thăm khám các bệnh hô hấp tăng cao, số em phải điều trị nội trú tăng 20-25% so với tháng trước.
Phần lớn bệnh nhi nhập viện thuộc nhóm dưới 5 tuổi với các bệnh như viêm phổi, viêm tiểu phế quản cấp, hen…
Thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn phát triển, dẫn đến các bệnh hô hấp có chiều hướng gia tăng.
BSCK2 Nguyễn Hoàng Phong - trưởng khoa hô hấp 1 Bệnh viện Nhi đồng 2 - nhận định trẻ thường nhập viện muộn do phụ huynh chủ quan bỏ qua các triệu chứng ban đầu của bệnh như sốt nhẹ, ho, sổ mũi, chảy mũi,…
Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình chẩn đoán, điều trị bệnh và khiến trẻ sẽ dễ gặp những biến chứng nguy hiểm.
Bệnh nhi được khám bệnh hô hấp tại TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Bác sĩ Phong khuyến cáo ngay khi trẻ có những triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi, nghẹt mũi… phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để kịp thời được thăm khám và có hướng xử trí kịp thời.
Phụ huynh tuyệt đối không chủ quan, không tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ. Đặc biệt lưu ý các dấu hiệu trở nặng như khi trẻ thở nhanh, khó thở, sốt cao khó hạ, bỏ bú hoặc bỏ ăn...
Bệnh hô hấp là bệnh lây qua đường không khí, khả năng lây lan cao nhất là trong môi trường kín, khi trẻ tựu trường.
5 biện pháp phòng ngừa bệnh hô hấp
Để bảo vệ trẻ, phòng ngừa và hạn chế sự gia tăng của các bệnh lý hô hấp trong giai đoạn này, ngành y tế khuyến cáo người dân và các cơ sở giáo dục cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học: Các cơ sở giáo dục, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo cần thường xuyên vệ sinh lớp học và giữ thông thoáng lớp.
2. Tăng cường theo dõi sức khỏe của trẻ: Các cơ sở giáo dục cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện sớm các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, sổ mũi để thông báo kịp thời cho cơ sở y tế.
3. Bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý: Bù đủ nước, vitamin và khoáng chất, chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, giúp trẻ tăng cường sức đề kháng để phòng chống dịch bệnh.
4. Thực hiện vệ sinh cá nhân tốt: Trẻ cần được rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch. Điều này giúp giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp.
5. Tiêm chủng đầy đủ: Phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tiêm chủng và phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Việc tiêm chủng sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Nguồn: Thùy Dương/tuoitre.vn