Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025 có nhiều điểm mới quan trọng liên quan đến xét tuyển sớm và xét tuyển học bạ, ảnh hưởng trực tiếp đến "giấc mơ" đại học.
"Siết" xét học bạ và xét tuyển sớm từ 2025
Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 của Bộ GD&ĐT đưa ra những quy định mới đáng chú ý về xét tuyển sớm và phương thức xét tuyển học bạ.
Cụ thể, chỉ tiêu xét tuyển sớm sẽ bị giới hạn ở mức tối đa 20% tổng chỉ tiêu. Tất cả các phương thức xét tuyển, bao gồm cả xét tuyển sớm, đều phải được quy đổi về một thang điểm chung để đảm bảo tính công bằng. Đặc biệt, điểm trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm không được thấp hơn điểm chuẩn xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Mặc dù các trường vẫn được tự chủ trong việc lựa chọn phương thức tuyển sinh, nhưng đối với phương án xét học bạ, Bộ GD&ĐT yêu cầu phải sử dụng kết quả học tập của cả năm lớp 12, bao gồm cả học kỳ II.
Ngoài ra, điểm xét tuyển học bạ phải bao gồm điểm tổ hợp ít nhất 3 môn, trong đó có Toán và Ngữ văn là bắt buộc. Mỗi ngành, chương trình đào tạo có thể sử dụng đồng thời nhiều tổ hợp môn xét tuyển, nhưng trọng số điểm của các môn chung trong các tổ hợp này phải chiếm ít nhất 50% tổng điểm.
Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025 có nhiều điểm mới quan trọng liên quan đến xét tuyển sớm và xét tuyển học bạ. Ảnh minh họa
Quy định mới này sẽ khiến các trường đại học không thể công bố điểm chuẩn trúng tuyển sớm trước tháng 5 như hiện nay. Đồng thời, các trường có thể sử dụng không giới hạn tổ hợp xét tuyển, thay vì chỉ được dùng 4 tổ hợp như hiện nay, nhưng sẽ bị ràng buộc về trọng số điểm của các môn.
Việc yêu cầu sử dụng kết quả học tập cả năm lớp 12 nhằm khắc phục tình trạng học sinh lơ là học tập trong học kỳ II, ảnh hưởng đến mục tiêu giáo dục phổ thông. Trước đó, nhiều lãnh đạo Bộ GD&ĐT và chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về việc bỏ xét điểm học kỳ II lớp 12, cho rằng điều này tạo ra sự mất công bằng trong cơ hội vào đại học của thí sinh, đồng thời đẩy điểm chuẩn xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT lên cao.
Giáo viên nói gì?
Báo Tiền phong dẫn lời PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông cho rằng, dự kiến quy chế tuyển sinh năm 2025 mà bộ GD&ĐT vừa công bố có nhiều thay đổi về việc tổ chức xét tuyển sớm của các cơ sở đào tạo.
Theo thầy Lập, dự thảo có nhiều ưu điểm trong đó hạn chế được 1 phần nhược điểm so với quy chế tuyển sinh năm 2024 về tuyển sinh sớm, khống chế số % tuyển sinh sớm của mỗi trường, mỗi ngành.
Mặt khác, dự thảo đã thắt chặt hơn việc tuyển sinh trên cơ sở xét học bạ, như phải lấy kết quả học tập của thí sinh ở cả 3 năm học, tránh học kỳ cuối học sinh lơ là trong việc học hành.
Thêm nữa, các tổ hợp xét tuyển đặc biệt lưu ý đến 2 môn quan trọng đó là Toán và Ngữ Văn, trọng số của môn này phải chiếm không dưới 1/3 trong tổ hợp 3 môn xét tuyển. Ngoài ra, điểm trúng tuyển tất cả các hình thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển đều quy về một thang điểm thống nhất, dễ dàng cho việc so sánh giữa các phương thức xét tuyển.
Tuy nhiên, theo thầy Lập, dự thảo còn có những vấn đề còn phải bàn như quy định chỉ tiêu chỉ 20% cho xét tuyển sớm sẽ ảnh hưởng tuyển sinh đến các trường có thương hiệu. Nếu quy định này được ban hành thì các trường phải thực hiện tuyển sinh sớm 20%, còn 80% họ sẽ tuyển tiếp theo như thế nào?
"Các trường sẽ tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng tôi cho rằng, các trường không muốn, vì đề thi tốt nghiệp độ phân hóa không cao, mà tuyển những 80% chỉ tiêu còn lại", thầy Lập nói.
Bên cạnh đó, thầy Lập cho biết thêm, dự thảo vẫn để hình thức dùng kết quả điểm học bạ để xét tuyển, điều này sẽ mất công bằng. Vì ở thời điểm hiện tại, điểm học bạ không có chuẩn chung, mỗi nơi chấm một kiểu, do chất lượng có thể không phản ánh đúng chất lượng của người học.
Thí sinh nghe phổ biến quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống
Sức khỏe & Đời sống dẫn lời thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, dự thảo đưa những nội dung đó là phù hợp.
Vì theo thầy Công, các thí sinh dự thi các ngành Sư phạm, Y dược mấy năm qua đều cần đảm bảo điểm thi cao, cao hơn nhiều mức sàn nên đương nhiên học bạ phải có điểm cao. Nếu học sinh có học bạ điểm mà thấp, trong khi đó điểm thi tốt nghiệp cao hơn nhiều là điều bất thường.
“Theo tôi, đánh giá quá trình thì toàn diện hơn”, thầy Công chia sẻ.
Mới đây, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã công bố những điểm mới trong công tác tuyển sinh ĐH chính quy năm 2025. Một điểm mới quan trọng nhất trong phương thức tuyển sinh từ năm 2025 của trường là không sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT (xét học bạ). Trường loại bỏ yếu tố điểm học bạ ở cả 2 phương thức xét học bạ độc lập và kết hợp học bạ với điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt như năm trước đó. Năm tới, điểm học bạ chỉ là điều kiện ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để đáp ứng các yêu cầu theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Lý giải sự thay đổi này, ThS. Lê Phan Quốc - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, các năm trước trường dành khoảng 10% chỉ tiêu xét điểm học tập THPT. Thực tế tuyển sinh các năm gần đây cho thấy có những ngành chỉ tiêu chỉ khoảng 20 thí sinh, với 10% chỉ tiêu xét điểm học bạ thì phương thức này chỉ tuyển 2 người. Việc loại bỏ phương thức xét học bạ trước hết nhằm giảm bớt sự phức tạp trong các phương thức xét tuyển./.
Nguồn: Thủy Tiên/doisongphapluat.com.vn