Sau Tết, gửi tiết kiệm ngân hàng nào lãi cao nhất?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Sau Tết, gửi tiết kiệm ngân hàng nào lãi cao nhất?

Có đến 6 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, cao nhất 0,5 điểm phần trăm để hút nguồn tiền nhàn rỗi của khách hàng sau Tết.

Nối tiếp xu hướng tăng từ cuối năm ngoái, 6 ngân hàng này tăng lãi suất tiền gửi với cả giao dịch tại quầy và kênh online. Trong đợt này, biên độ điều chỉnh lên đến 0,5% một năm, chủ yếu tập trung vào các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Ngoài ra, khách hàng gửi tiền tiết kiệm giai đoạn này tại một số nhà băng sẽ được hưởng nhiều chương trình khuyến mãi khác nhau.

Chỉ trong tháng đầu năm, VPBank đã hai lần tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Lần này ngân hàng điều chỉnh lãi suất mạnh, tăng 0,2% cho kỳ hạn 6, 9 tháng và tăng 0,5% cho kỳ hạn 12 tháng. Động thái này đưa VPBank vào nhóm 15 ngân hàng trả lãi suất tiết kiệm online cao nhất.

BacABank và VietBank sau điều chỉnh, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng lên 6,5%. Hai nhà băng này tiếp tục nằm trong nhóm có lãi suất tiết kiệm cao trên thị trường. Riêng VietBank, sau đợt điều chỉnh này, ngân hàng vươn lên vị trí á quân thị trường về lãi suất tiết kiệm online 12 tháng với mức 6,8% một năm. Mức lãi trên bằng với SCB và chỉ xếp sau quán quân NamABank - giữ ngôi suốt nhiều tháng qua.

Đợt này, SaigonBank tăng lãi suất ở hầu hết kỳ hạn. Ngân hàng này trả lãi 5.9% một năm cho tiền gửi 12 tháng. Trong khi đó, ACB và VietCapitalBank là hai ngân hàng duy nhất tăng lãi suất tiết kiệm cho kỳ hạn ngắn trong đợt này. Tuy nhiên, biên độ điều chỉnh không cao, chỉ trong mức 0,1-0,2% một năm.

Trong khi nhiều nhà băng đua nhau tăng lãi suất, SeABank và MSB lại ngược dòng chọn giảm lãi. SeABank giảm 0,05% cho lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6, 9 và 12 tháng. MSB giảm lãi dao động 0,05-0,4% ở tất cả kỳ hạn phổ biến.

Dự báo về ngành ngân hàng năm nay, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, lãi suất huy động chỉ tăng trong ngắn hạn và áp lực tăng sẽ không lớn. Đơn vị này giải thích, thanh khoản hệ thống được hỗ trợ từ hoạt động mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước, lượng nội tệ được bổ sung vào hệ thống ngân hàng ở nửa cuối năm theo kênh này ước tính vào khoảng 200.000-300.000 tỷ đồng. Các chỉ số liên quan như LDR (tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động của ngân hàng) và vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn ở mức an toàn. Thêm vào đó, một số ngân hàng có thể sử dụng nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng quốc tế để thay thế cho việc huy động trong nước.

VCBS cũng lưu ý thị trường xuất hiện xu hướng chuyển từ gửi tiền kỳ hạn dài sang không kỳ hạn hoặc kỳ hạn ngắn. Các ngân hàng ghi nhận lượng khách hàng thường xuyên tăng nhanh như Techcombank, MBBank, TPBank... sẽ có được nguồn vốn huy động dồi dào hơn và giảm được chi phí vốn trong dài hạn.

Dưới đây là mức lãi suất sắp xếp từ cao tới thấp được niêm yết chính thức (cho khoản tiền dưới 1 tỷ đồng), không tính thỏa thuận thực tế của ngân hàng với từng khách (khách quen, VIP, gửi tiền nhiều - nhưng dưới một tỷ). Lãi suất gửi online thường cao hơn từ 0,1% đến 0,2%, có nơi trả cao hơn 1% một năm so với khi gửi tại quầy.

Nguồn: Tất Đạt/vnexpress.net