Các công ty chip Trung Quốc liên tục tìm cách lôi kéo các tài năng trong ngành chip của Đài Loan, làm dấy lên một "cuộc chiến nhân sự" mới.
Theo SCMP, các công ty Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn sau khi được chính quyền Bắc Kinh ủng hộ. Năm 2021, doanh số vi mạch tích hợp (IC) của các công ty tại nước này đã tăng 18,2% so với năm trước đó, đạt 1,05 nghìn tỷ nhân dân tệ (158,6 tỷ USD). Đây mức cao nhất trong ba năm qua, theo dữ liệu được Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, đại diện cho 744 công ty trong ngành, công bố hôm 9/3.
Ngoài khoản đầu tư khổng lồ về vốn và công nghệ, nhân tài là một trong những ưu tiên hàng đầu. Theo Nikkei Asia, nước này đang thiếu trầm trọng nhân lực trong ngành chip, khiến các công ty ở đại lục liên tục mở các "cuộc đi săn" tại Đài Loan.
Nhằm hạn chế bị chảy máu chất xám, Đài Loan đưa ra nhiều luật gắt gao về việc thuê và tuyển dụng lao động. Các công ty công nghệ Trung Quốc có văn phòng ở đây phải được sự cho phép của cơ quan chức năng nếu muốn dùng lao động người Đài Loan. Để tránh bị kiểm soát, các công ty Trung Quốc đã thành lập công ty ở nước ngoài như Singapore hay Quần đảo Cayman để "săn trộm" nhân tài.
TSMC của Đài Loan là nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới. Ảnh: Nikkei Asia
Chỉ trong năm 2021, Đài Loan đã mở 23 cuộc điều tra liên quan đến các cáo buộc thuê lao động bất hợp pháp và đánh cắp bí mật thương mại. Tháng 3/2021, các công tố viên tại đây cho biết công ty chip Bitmain Technologies của Trung Quốc đã tuyển dụng trái phép hơn 100 kỹ sư ở Đài Loan.
Chất bán dẫn là một phần quan trọng của nền kinh tế, chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của Đài Loan. Giữ chân nhân tài trong ngành này được xem là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chip toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tuy nhiên, không ít người cho rằng việc bảo vệ nhân tài quá mức của Đài Loan có thể gây ra tác dụng phụ. "Mỹ và các công ty chip của họ không đặt quá nhiều quy tắc như vậy, họ được tự do kinh doanh ở Đài Loan và Trung Quốc. Nếu có quá nhiều rào cản trong tuyển dụng nhân sự, Đài Loan có thể tự làm khó các công ty công nghệ trong nước", một giám đốc điều hành trong ngành chip nói.
Một số khác lo ngại việc áp dụng quá nhiều quy định có thể khiến các công ty không còn hào hứng tham gia các các chương trình nghiên cứu, phát triển cho chính phủ hậu thuẫn. "Chúng tôi đang bị kẹt lại trong một cuộc đi 'săn' nhân tài của Trung Quốc", một nhà điều hành của một công ty sản xuất chip hàng đầu của Đài Loan nói./.
Nguồn: Khương Nha (theo Nikkei Asia)/vnexpress.net