Quảng Nam chuẩn bị đấu giá lần thứ 3 đối với 1,3 triệu m3 cát nạo vét ở sông Cổ Cò, sau 2 lần đấu giá không có ai tham gia.
2 lần đấu giá không ai tham gia
Ngày 24.10, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam (gọi tắt là BQL công trình giao thông Quảng Nam) cho biết, Ban đang chuẩn bị tổ chức đấu giá khoảng 1,3 triệu m3 cát từ việc nạo vét sông Cổ Cò (Hội An) lần thứ 3.
Cát nạo vét từ sông Cổ Cò, Quảng Nam tập kết trên bờ, chờ bán đấu giá lần 3. Ảnh: Thành Nguyễn
Khoảng 1,3 triệu m3 cát nạo vét sông Cổ Cò từng được đưa ra đấu giá 2 lần vào tháng 10 và 11.2022, với giá khởi điểm 144.000 đồng/m3, kỳ vọng thu về gần 220 tỉ đồng, nhưng đã không có cá nhân, tổ chức nào đăng ký tham gia đấu giá.
Theo lý giải của BQL công trình giao thông Quảng Nam, nguyên nhân đấu giá không thành là do khối lượng đấu giá một lần quá lớn, người thắng đấu giá phải nộp ngay khoản tiền gần 200 tỉ đồng, nên các đơn vị không đủ khả năng tài chính và bến bãi để chứa số lượng cát trên, nếu trúng đấu giá.
Đồng thời, đường vận chuyển nối từ bãi chứa ra ngoài là đường bê tông nhỏ hẹp, trong khi chở cát cần xe vận tải lớn, có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, dân sinh, an toàn giao thông…
Cầu Tây An 1 và Tây An 2, thuộc dự án đường tránh lũ ở Duy Xuyên, Quảng Nam gần 250 tỉ đồng, xây xong thiếu đường dẫn, do thiếu nguồn đất đắp. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Ngoài ra, theo hồ sơ đánh giá môi trường cũng như kết quả thí nghiệm vật liệu của Công ty TNHH Tư vấn và kiểm định Á Châu thì cát này bị nhiễm mặn không dùng cho xây dựng được (cát xây, cát tô), chỉ dùng làm vật liệu cho san lấp các khu đô thị, đắp nền một số hạng mục cho các công trình.
Giữ nguyên giá khởi điểm ở lần đấu giá thứ 3
Sau 2 lần tổ chức đấu giá không thành, năm 2023, BQL công trình giao thông Quảng Nam đã đề xuất phê duyệt điều chỉnh giảm giá khởi điểm từ 144 nghìn đồng/m3 xuống 119 nghìn đồng/m³, để tiếp tục tổ chức bán đấu giá theo quy định, nhưng không được chấp thuận.
Sở Tài chính Quảng Nam đánh giá việc xác định nguyên nhân đấu giá không thành và đề xuất điều chỉnh giảm giá khởi điểm là không có cơ sở.
Kiểm tra hiện trường dự án sông Cổ Cò hồi tháng 10.2024, ông Trần Nam Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu BQL công trình giao thông Quảng Nam khẩn trương xác định giá cát (nhiễm mặn) trước ngày 30.10.2024 để tổ chức đấu giá cát, giải phóng cát bãi thải.
Có phương án phân chia khối lượng cát bán đấu giá theo từng điểm bãi chứa, hoặc theo lô, bán nhiều đợt để đảm bảo tính khả thi.
“Trong lần đấu giá thứ 3, BQL công trình giao thông Quảng Nam vẫn đề xuất UBND tỉnh cho phép áp dụng giá khởi điểm 144 nghìn đồng/m3. Trước mắt, có khoảng 1,3 triệu m3 cát sẽ được mang ra đấu giá” – đại diện BQL công trình giao thông Quảng Nam cho hay.
Đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện được xây dựng hàng năm, kinh phí từ 2-3 tỉ đồng. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Mới đây, UBND thị xã Điện Bàn đã đề nghị UBND tỉnh cho phép địa phương lấy khoảng 9.000m³ cát nạo vét từ sông Cổ Cò, để thi công công trình đập thời vụ ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện năm 2025.
Đây là công trình tạm, nhằm ngăn nước mặn xâm nhập, đảm bảo nguồn nước ngọt để phục vụ tưới cho nông nghiệp với khoảng 2.000ha đất nông nghiệp và nhu cầu nhân dân, từ tháng 2 đến tháng 9 hằng năm. Sau khi kết thúc nhiệm vụ ngăn mặn, đập sẽ được tháo dỡ hoàn toàn./.
Nguồn: Hoàng Bin/laodong.vn