Quang Liêm: 'Kỳ thủ Việt Nam thiếu môi trường cọ xát'

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
'Kỳ thủ Việt Nam thiếu môi trường cọ xát'

Siêu đại kiện tướng Lê Quang Liêm cho rằng các kỳ thủ nhí ở Việt Nam được hỗ trợ ở bước đầu, nhưng thiếu giải đấu tính Elo để phát triển.

 

Lê Quang Liêm sinh ngày 13/3/1991 tại TP HCM. Anh từng vô địch U14 thế giới ở Belfort, France năm 2005. Quang Liêm vô địch cờ chớp thế giới năm 2013, và đoạt HC vàng châu Á ở Trung Quốc năm 2019. Anh là kỳ thủ duy nhất của Việt Nam đã và đang đứng trong nhóm Siêu đại kiện tướng. Vị trí cao nhất của anh là đứng thứ 21 thế giới, tháng 10/2017. Elo hiện tại của anh là 2.709.

Quang Liêm đang sống ở Missouri, Mỹ, làm Giám đốc học viện cờ vua SPICE, kiêm HLV cờ vua trường đại học Webster. Anh sẽ về Việt Nam trong tháng 5/2022 để dự SEA Games.

- Kỳ thủ nhí ở Việt Nam có thuận lợi và khó khăn gì khi so với các nước khác?

- Lợi thế của các kỳ thủ nhí Việt Nam là năng khiếu tốt và được ngành thể thao hỗ trợ ở bước đầu. Nếu vào được đội tuyển trẻ của tỉnh hoặc quốc gia, các bạn được học miễn phí với nhiều HLV giỏi, được tài trợ tham gia các giải trẻ khu vực và thế giới.

Thách thức của các bạn là thiếu môi trường cọ xát, thi đấu. Ví dụ, mỗi năm ở Việt Nam chỉ có giải HDBank là tính hệ số Elo. Các bạn chỉ có thể đi nước ngoài thi đấu 2-3 giải tính Elo hàng năm. Điều này làm cho việc phát triển trình độ và đạt danh hiệu quốc tế khó khăn hơn rất nhiều. Trong khi đó, ở Mỹ và châu Âu, mỗi năm có rất nhiều giải trẻ, giải mở rộng, giải lấy chuẩn được tổ chức liên tục.

Lê Quang Liêm là kỳ thủ Việt Nam thành công nhất lịch sử. Ảnh: GCT

- Trong quá trình lên Đại kiện tướng và Siêu đại kiện tướng chủ yếu được gia đình hỗ trợ, Quang Liêm chịu áp áp lực thế nào, chẳng hạn mỗi khi chơi không thành công ở giải nào đó?

- Tôi muốn làm rõ thêm là quá trình tôi lên Đại kiện tướng và lên Elo trên 2700 không chỉ có sự hỗ trợ của gia đình, mà còn nhờ sự đầu tư của bộ môn cờ vua TP HCM. Thành phố đã tạo điều kiện cũng như hỗ trợ kinh phí cho tôi trong nhiều chuyến đi thi đấu nước ngoài, làm việc với chuyên gia. Đó cũng là thuận lợi của tôi so với nhiều kỳ thủ khác.

Áp lực thì khi nào cũng có, chủ yếu do kỳ vọng của bản thân tôi khá cao. Tôi có những mục tiêu riêng cho bản thân, nên khi thi đấu không như kỳ vọng, tôi sẽ tự suy ngẫm và làm việc nhiều hơn để cải thiện.

- Kỳ thủ phải đạt đến trình độ nào mới có thể sống dựa vào thi đấu cờ?

- Nếu chỉ dựa vào tiền thưởng các giải đấu, có lẽ kỳ thủ phải vào top 100 thế giới mới tạm đủ sống. Còn nếu muốn dư dả, kỳ thủ phải vào top 20 thế giới. Nhưng để làm được điều này rất khó. Theo thống kê của FIDE, thế giới có khoảng 300 triệu đến 600 triệu người chơi cờ vua thường xuyên. Trong số đó, chỉ có hơn 1.500 người đạt được danh hiệu cao nhất là Đại kiện tướng. Vì vậy, danh hiệu Đại kiện tướng, dù khó đạt được, cũng chỉ là bước đầu đến với thế giới chuyên nghiệp. Từ Đại kiện tướng lên top 100 hay top 20 thế giới là cả quãng đường rất dài.

- Ngoài kiếm tiền thưởng từ các giải đấu, kỳ thủ còn có những cơ hội nào để cải thiện thu nhập?

- Ngoài tiền thưởng từ ban tổ chức các giải đấu, nhiều kỳ thủ còn dạy cờ, viết sách, làm video, làm streamer. Một số quốc gia cũng có chế độ đãi ngộ tốt cho các VĐV nói chung và kỳ thủ nói riêng. Ví dụ, Singapore có mức thưởng 1 triệu đô-la Singapore cho các VĐV đạt HC vàng Olympic. Ở Hungary, ngoài mức thưởng ngay lúc giành huy chương, họ còn có chế độ lương từ năm 35 tuổi cho đến trọn đời đối với các VĐV (và HLV trực tiếp của họ) đoạt huy chương Olympic (với cờ vua là tính giải Olympiad). Hay đặc biệt hơn ở Armenia, bất kỳ ai đạt danh hiệu Đại kiện tướng đều nhận được một khoản lương cố định hàng tháng, dù họ có trong đội tuyển quốc gia hay không.

Đây đều là những phần thưởng xứng đáng cho cố gắng và nỗ lực không mệt mỏi của các kỳ thủ, và cũng tạo động lực để các VĐV trẻ tập luyện nhiều hơn để mang về thành tích cho nước nhà.

Giải cờ vua quốc gia (A1) kết thúc hôm 5/3 là giải hiếm hoi tính Elo ở Việt Nam.

- Hiện có nhiều kỳ thủ nước ngoài trình độ ở mức kiện tướng FIDE nam (FM), hay kiện tướng FIDE nữ (WFM) nhưng có thu nhập từ cờ vua tốt hơn các Đại kiện tướng (GM) nhờ livestream. Quang Liêm nghĩ điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cờ vua trong tương lai không?

- Một FM hay WFM có thu nhập cao hơn một GM là chuyện bình thường do streaming, dạy cờ hay thi đấu là những lĩnh vực khác nhau. Giống như một tiến sĩ làm ở viện nghiên cứu chưa chắc lương đã cao hơn một người làm trong ngành giáo dục hay giải trí. Việc các kỳ thủ tìm ra nhiều kênh thu nhập liên quan tới cờ vua là điều rất đáng mừng. Điều này góp phần làm tăng số lượng người chơi cờ nói chung, và giúp cờ vua trở nên phổ biến hơn trên toàn thế giới.

- Hikaru Nakamura từng nói cờ nhanh - chớp sẽ thay thế cờ tiêu chuẩn trong 10-15 năm nữa, còn Alexander Grischuk muốn chess960 thay thế luật cờ vua hiện tại. Quang Liêm có nghĩ thế nào?

- Những dự đoán này cũng có thể sẽ thành hiện thực vì cờ vua, cũng như nhiều môn thể thao khác, sẽ có những thay đổi và điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu và sự vận động của xã hội. Hiện nay, tôi vẫn luyện tập và chơi đủ các thể loại cờ, nên dù có thay đổi thế nào tôi cũng sẵn sàng.

- Cờ vua Việt Nam có đang được đánh giá đúng với thực lực không, và chúng ta cần những gì để phát triển hơn nữa?

- Cờ vua Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng có thể phát triển hơn nữa. Đó chỉ là cảm nhận của tôi thôi, còn những việc cụ thể có lẽ phải để các cơ quan quản lý thể thao trả lời.

- Theo Quang Liêm, ai sẽ có khả năng trở thành Siêu đại kiện tướng tiếp theo của Việt Nam?

- Cho tới lúc này, tôi chưa thấy kỳ thủ trẻ nào ở Việt Nam có khả năng trở thành Siêu đại kiện tướng (Elo cờ tiêu chuẩn trên 2.700). Tôi hy vọng điều này sẽ thay đổi trong tương lai không xa.

- Những kỳ thủ giỏi thường thông minh, và họ nên cống hiến ở những lĩnh vực khác tạo ra thặng dư hơn. Quang Liêm nghĩ sao về quan điểm này?

- Tôi không đồng tình với quan điểm này, vì mỗi người đều có điểm mạnh và chuyên môn riêng. Nếu ai cũng phát huy được năng lực trong lĩnh vực của mình, đó là đóng góp tốt nhất cho xã hội rồi./.

Nguồn: Xuân Bình/vnexpress.net