Một nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Antiquity cho thấy những viên đá lớn nhất ở Stonehenge, Tây Nam nước Anh có thể là hiện thân của lịch Mặt trời với 365 ngày/năm - gần giống với 365,2425 ngày được sử dụng trong lịch hiện đại.
Theo Timothy Darvill, giáo sư khảo cổ học tại Đại học Bournemouth ở Vương quốc Anh và là tác giả của nghiên cứu, Stonehenge chủ yếu được căn chỉnh với ngày dài nhất Hạ chí 21-6 và ngày ngắn nhất Đông chí 22-12 ở Bắc bán cầu. Bằng cách căn chỉnh Stonehenge với điểm Hạ chí và sau đó sử dụng nó để đếm các ngày trong năm, di tích cổ đại có thể phản ánh chính xác các điểm và mùa màng trong hàng trăm năm.
Theo lý thuyết của ông Darvill, vòng tròn sarsen phản ánh một tháng gồm 30 ngày. Mỗi năm có 12 tháng với tổng cộng 360 ngày, tiếp theo là năm ngày “thượng nguyệt” được đánh dấu bằng 5 cặp đá sarsen bên trong vòng tròn chính. Ngoài ra, khoảng thời gian bốn năm giữa các năm “nhuận” - khi phải thêm một ngày nữa để giữ cho lịch Mặt trời chính xác một cách hợp lý - có thể đã được đánh dấu bằng bốn viên đá “trạm” trong một hình chữ nhật bên ngoài hình tròn. Những tảng đá nhỏ hơn bên trong vòng tròn đá cổ đại để chỉ ngày, tháng, năm. Người dân địa phương có thể đã tự phát triển lịch này, cách đếm tương tự cho ngày và tháng trong năm cũng được sử dụng ở Ai Cập cổ đại vài trăm năm trước khi Stonehenge được xây dựng./.
Nguồn: Lam Điềm/sggp.org.vn