TP.HCM đang là địa phương đứng đầu cả nước về số ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Các bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ mang thai (thai phụ) cần cẩn trọng với dịch bệnh này bởi nguy cơ mất cả mẹ lẫn con nếu để bệnh chuyển nặng.
Điều trị khó khăn, phức tạp
Trong 11 ca tử vong và bệnh quá nặng xin về nhà chạy chữa do mắc SXH được báo cáo tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TPHCM mới đây, có 2 thai phụ. Theo các bác sĩ, 2 thai phụ này do thiếu hiểu biết nên khi mắc SXH đã tự mua thuốc điều trị, sau đó bệnh trở nặng, khi đến BV điều trị thì đã quá muộn, bị sốc SXH sâu, thai nhi chết lưu, nhiễm trùng máu. Dù các bác sĩ đã thực hiện tất cả phương pháp hồi sức tích cực nhưng vẫn không đáp ứng điều trị.
TS-BS Nguyễn Văn Hảo, Trưởng Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết, thời gian qua, khoa đã phối hợp với các BV phụ sản trên địa bàn cứu sống hàng trăm thai phụ mắc SXH nặng. Tuy nhiên, với thai phụ, việc điều trị SXH nặng khó khăn, phức tạp hơn nhiều so với những bệnh nhân khác. Thai phụ mắc SXH thì cả mẹ và thai nhi đều có thể bị đe dọa đến tính mạng. Bên cạnh nỗ lực cứu sống mẹ, các bác sĩ phải cân nhắc trong việc sử dụng thuốc, các kỹ thuật điều trị cho thai phụ mắc SXH để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
Tương tự, trong thời gian qua, tại BV Hùng Vương, BV Trưng Vương, BV Từ Dũ đã tiếp nhận hàng trăm trường hợp thai phụ mắc SXH đến khám và theo dõi điều trị. Thống kê từ BV Từ Dũ cho thấy, trong 3 tháng gần đây, đơn vị này ghi nhận khoảng 20 trường hợp thai phụ mắc SXH nhập viện điều trị để theo dõi thai kỳ. BS-CKII Bùi Văn Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - BV Từ Dũ, cho biết, với thai phụ mắc SXH, BV tiến hành phối hợp hội chẩn chuyên khoa với các chuyên gia điều trị SXH để đảm bảo điều trị tốt nhất. Đa số các trường hợp thai phụ mắc SXH có dấu hiệu chuyển dạ sinh hoặc cần chấm dứt thai kỳ bằng mổ lấy thai đều được theo dõi điều trị và can thiệp kịp thời. Sau khi điều trị các vấn đề sản khoa ổn định, thai phụ có thể được chuyển sang các BV chuyên khoa để tiếp tục điều trị SXH.
Ảnh minh họa: TTXVN
Lưu ý các biểu hiện trở nặng
Theo BS-CKI Trương Trọng Tuấn, Khoa Cấp cứu - BV Đa khoa Tâm Anh TPHCM, mắc SXH khi mang thai không dẫn đến dị tật, bất thường ở thai nhi, nhưng có thể dẫn đến thai chết lưu, sinh non hoặc các biến chứng sức khỏe khác ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, virus Dengue còn có thể truyền từ mẹ sang thai nhi trong quá trình mang thai hoặc khi sinh, và có thể cần phải mổ lấy thai. Đồng thời, diễn biến của bệnh SXH ở thai phụ rất khó lường và trở nặng nhanh chóng. Giai đoạn nguy hiểm thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh, thai phụ có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, có thể kèm theo đau bụng, đại tiện ra phân đen, chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu niêm mạc…
Các chuyên gia y khoa lưu ý, triệu chứng nặng nhất của bệnh SXH là sốc. Thân nhiệt của thai phụ tụt xuống dưới 350C, cơ thể chảy máu ồ ạt, huyết áp tụt xuống nhanh chóng, dễ dẫn đến biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy thận, suy gan, rối loạn đông máu… Thai phụ ở những tháng đầu thai kỳ nếu bị SXH có thể làm tăng nguy cơ bị sảy thai, thai chết lưu. Ở những tháng cuối, thai phụ bị SXH có thể gây tử vong cho thai nhi, làm trẻ sơ sinh nhẹ cân hoặc sinh non.
Để tránh biến chứng nặng, các chuyên gia y khoa khuyến cáo thai phụ mắc SXH phải theo dõi sát nhiệt độ cơ thể, nếu sốt trên 380C cần dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, bổ sung nước, điện giải, mặc đồ thoáng mát… Đặc biệt cần uống nhiều nước, sử dụng nước trái cây như nước cam ép, giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu gây ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé, tuân thủ phác đồ điều trị và những hướng dẫn của nhân viên y tế. Khi có các dấu hiệu như đau bụng dữ dội hoặc đau cơ, nôn ói liên tục (ít nhất 3 lần/1 giờ); chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng; nôn ra máu hoặc có máu trong phân; thở nhanh, khó thở…, thai phụ cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, xử trí.
Theo BS-CKII Bùi Văn Hoàng, phụ nữ mang thai có khả năng miễn dịch thấp, nguy cơ bị nhiễm trùng và mắc các loại bệnh tật cao hơn, nguy hiểm hơn người bệnh khác. Trong giai đoạn cao điểm của dịch SXH (từ tháng 8 đến tháng 12), thai phụ cần chú trọng phòng bệnh bằng các biện pháp như: tránh đi du lịch ở những vùng có nhiều người mắc SXH, thường xuyên mặc quần áo dài, ngủ màn kể cả ban ngày…; sử dụng các phương pháp diệt muỗi cá nhân như: đốt hương muỗi, phun thuốc xịt muỗi bằng bình xịt tại nhà... |
Nguồn: Quang Huy/sggp.org.vn