Phóng viên Việt Nam nhiễm COVID-19 tại UAE: Trải nghiệm “cận kề tử thần” và tình yêu cháy bỏng với nghề báo

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Phóng viên Việt Nam nhiễm COVID-19 tại UAE

Trần Phúc Nghĩa (có nickname Ted Trần) là một trong 14 phóng viên thể thao tháp tùng cùng đội tuyển bóng đá Việt Nam tác nghiệp tại vòng loại thứ hai World Cup tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Tống Nhất (UAE). Trong thời gian tác nghiệp và di chuyển nhiều nơi, không may Phúc Nghĩa đã bị nhiễm COVID-19.

Trò chuyện với PV Tạp chí Đời sống và Pháp luật trong một ngày cuối năm 2021, Phúc Nghĩa đã có những chia sẻ về quá trình điều trị, cũng như ký ức vui – buồn khi gặp sự cố không ai mong muốn tại nơi đất khách, quê người.

Tình đồng bào nơi đất khách

Sau nửa năm kể từ “sự cố” khi tác nghiệp tại UAE,  phóng viên Ted Trần (Trần Phúc Nghĩa) đã trở về nhịp sống bình thường bên gia đình. Anh kể lại những ngày “chiến đấu” cùng COVID-19 tại nơi “đất khách, quê người” với những cung bậc cảm xúc xen kẽ. Từ những giây phút hồi hộp, lo lắng khi biết mình bị COVID-19, cho tới khoảnh khắc vui mừng, xúc động trong những ngày tháng điều trị tại UAE.

Những dấu hiệu đầu tiên bắt đầu xuất hiện thoáng qua vào ngày 9/6. Ted Trần cho biết anh có cảm giác mệt mỏi nhẹ, và cảm thấy lạnh khi khi tác nghiệp tại buổi họp báo của ĐT Việt Nam trước trận đấu với Malaysia.

"Lúc đó chưa nghĩ mình bị COVID-19 vì các phóng viên luôn phải xét nghiệm liên tục. Bản thân còn cho rằng cảm giác lạnh do phòng họp báo bật điều hoà nhiệt độ thấp”, PV Phúc Nghĩa nhớ lại.

Sang ngày tiếp theo, tình trạng mệt mỏi vẫn tiếp diễn. Khi đi xét nghiệm, Phúc Nghĩa nhận kết quả dương tình với COVID-19. Bỏ lại công việc đang dang dở, sau cú điện thoại từ bác sĩ, Phúc Nghĩa chính thức bước vào giai đoạn điều trị COVID-19 tại UAE.

“Ở nước bạn, các bác sỹ cho tôi hai lựa chọn, cách ly tại nhà hoặc vào bệnh viện nếu sức khoẻ không đảm bảo. Ban đầu, các triệu chứng vẫn nhẹ nên tôi chọn tựu cách ly ở nhà và làm theo hướng dẫn điều trị bệnh”. Ở trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia, Phúc Nghĩa vẫn hoàn toàn tỉnh táo và theo dõi chiến thắng của đôi nhà. Tuy nhiên chỉ 3 ngày sau, bệnh diễn biến theo chiều hướng xấu. Anh bắt đầu cảm thấy sốt và khó thở.

“Đó là một ngày tồi tệ. Hôm đó, tôi bị sốt rét một cách kinh khủng, cả ngày không thể làm được việc gì. Thậm chí, bản thân không thể đứng dậy để đi lấy một cốc nước", anh Phúc Nghĩa nói. Cơ thể có lúc sốt tới hơn 40 độ nên anh rất mệt mỏi.

Đó cũng là lúc Phúc Nghĩa cảm thấy “cận kề tử thần hơn bao giờ hết”. Anh lập tức nhập viện và được điều trị bằng máy thở. 15 ngày chiến đấu với Covid-19 trong bệnh viện là khoảng thời gian dài nhất trong cuộc đời anh. Luôn tự tin vào sức khoẻ của bản thân, nhưng Phúc Nghĩa cho biết đã có những ngày anh bị ngất lịm đi, chìm vào trạng thái mất nhận thức.

“Hôm đó, khi đi vệ sinh cá nhân, tôi cảm thấy người khó chịu đến mức vừa bấm vào nút gọi khẩn cấp thì gục xuống. Tôi chỉ nhớ được khi bác sĩ bước vào thì mình đã lịm đi và không biết gì nữa", Phúc Nghĩa nhớ lại.

Trần Phúc Nghĩa phải thở oxy dòng cao trong quá trình điều trị COVID-19. Ảnh: NVCC.

Không chỉ ngất đi, Phúc Nghĩa còn trải qua những giây phút giành giật sự sống vì có một ngày phải thở oxy 24/24. "Trong bệnh viện, có 5 lỗ để cắm bình oxy và lỗ tím là lỗ nặng nhất thì có một ngày tôi phải cắm bình vào chỗ đó. Lúc đó tôi không tự thở được nữa, phải nhờ vào việc bóp vào túi khí ở lồng ngực", anh kể.

Trong số những trải nghiệm “cận kề tử thần” – như cách miêu tả của Phúc Nghĩa – thì điều khiến anh nhớ nhất là sự quan tâm, chia sẻ của những người đồng bào đang sinh sống và làm việc tại UAE.

“Có những người tưởng chừng như chả quen biết gì nhưng lại giúp đỡ rất tận tình. Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới vợ chồng anh Bình, hai người không phải ruột thịt nhưng đã ở bên tôi suốt quá trình điều trị bệnh. Họ cùng nhau chuyển đồ, mua thuốc và đưa tôi vào bệnh viện. Sau khi ra viện, anh Bình lại giúp tôi thuê một căn hộ và hỗ trợ nhiều thứ ở nơi đất khách quê người. Thực sự đó là điều mà tôi không bao giờ quên”, Phúc Nghĩa nhớ lại. Ngoài ra, Phúc Nghĩa cũng nhận được vô vàn lời chúc của đồng nghiệp, khán giả. Đó cũng là nguồn động viên, cổ vũ tinh thần cho anh trong những giây phút căng thẳng và áp lực nhất.

Ở nơi hậu phương, gia đình anh là những người lo lắng hơn cả. Khi biết tin anh dương tính với COVID-19, mẹ và vợ anh đã khóc rất nhiều. Khoảng cách địa lý và sự lo lắng khiến cả gia đình không ngủ được trong nhiều đêm.

“Trong gia đình thì vợ tôi luôn dành sự quan tâm và đồng hành với tôi trong các giải đấu. Khi ở UAE điều trị, vợ tôi tích cực động viên chồng, ngoài lúc làm việc, chăm sóc con, cô ấy đưa ra những thử thách như hít đất, gập bụng, nấu ăn hay cùng nhau xem một bộ phim… và thường xuyên nói chuyện với tôi, giúp tôi quên đi buồn chán khi phải ở một mình”, Phúc Nghĩa chia sẻ.

Tại UAE, phóng viên Phúc Nghĩa nhận được sự chăm sóc nhiệt tình từ các bác sĩ.

Thông tin về việc phóng viên Phúc Nghĩa bị nhiễm COVID-19 khi đi tác nghiệp tại UAE nhanh chóng được nhiều phương tiện đăng tải. Trên mạng xã hội, nhiều cổ động viên quá viên quá khích đã để lại những lời bình luận thiếu văn hoá, vô tình khiến Phúc Nghĩa gặp phải áp lực trong thời điểm khó khăn nhất.

“Thực ra tôi đã từng đón nhận nhiều luồng dư luận trái chiều nên không coi đó là chuyện đáng quan tâm. Bản thân tôi lúc đó chỉ muốn chữa khỏi bệnh và hướng tới điều tích cực. Hơn nữa, suy cho cùng tôi không làm điều gì sai”, Phúc Nghĩa nói.

Không bao giờ chùn bước vì tình yêu cháy bỏng với nghề báo

Sau chuyến đi tại UAE, cùng với sự lo lắng và khuyên can từ người thân, tưởng như Trần Phúc Nghĩa sẽ tạm dừng những chuyến đi xa, gác lại đam mê với nghề báo. Thế nhưng, ngay sau khi bình phục, anh ngay lập tức lao vào guồng quay công việc, tiếp tục tham gia đưa tin để đem tới những thông tin mới nhất về đội tuyển bóng đá Việt Nam tới bạn đọc.

“Tôi không biết diễn ra về tình yêu nghề nghiệp bằng những từ ngữ hoa mỹ. Bản thân tôi là người rất yêu bóng đá, những sự cố vừa qua chỉ đơn thuần là tai nạn nghề nghiệp. Tôi quan niệm rằng mình không bao giờ được chùn bước, phải tiếp tục đứng dậy ở nơi đã từng vấp ngã. Nếu dừng lại ở đây thì tôi sẽ không còn có thể làm nghề báo được nữa”, Phúc Nghĩa bày tỏ. Với niềm đam mê và ngọn lửa nghề, anh đã có mặt và đưa tin, bám sát toàn bộ các trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022 vừa qua.

Sau khi bình phục, phóng viên Phúc Nghĩa tiếp tục tác nghiệp tại các giải đấu của đội tuyển Việt Nam.

Để cải thiện và đẩy nhanh tốc độ hồi phục sức khoẻ, hàng ngày Phúc Nghĩa vẫn duy trì các bài tập chạy, tập thể lực, bổ sung các loại thực phẩm chức năng nhằm bồi bổ cơ thể theo hướng dẫn của bác sĩ.

“Cho đến giờ đã khỏi bệnh vài tháng nhưng tôi vẫn bị giảm vị giác. Bên cạnh đó, thể lực cũng chưa hoàn toàn hồi phục 100%, vì vậy vẫn phải tập luyện và có chế độ sinh hoạt phù hợp. Có lẽ chỉ có niềm đam mê với có thể giúp tôi tiếp tục gắn bó với nghề báo”, Phúc Nghĩa cho biết./.

Nguồn: Hiếu Nguyễn/doisongphapluat.com