Xuyên Việt Oil có 5.907 tỉ đồng nợ xấu. Đáng chú ý, tài sản đảm bảo để công ty vay vốn có giá trị tương đương hoặc thấp hơn nhiều so với giá trị các khoản vay.
Khoản nợ xấu 5.907 tỉ đồng
Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan.
Theo dữ liệu từ cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil có trụ sở tại TP.HCM và vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng.
Sau nhiều lần thay đổi về đăng ký doanh nghiệp, thông tin mới nhất thể hiện Công ty Xuyên Việt Oil gồm hai nữ cổ đông. Trong đó, bà Mai Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1979) - giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật - góp 2.940 tỉ đồng, tương ứng 98% vốn. Còn bà Mai Thị Ngọc Trinh (sinh năm 1992) - phó giám đốc - nắm 2% còn lại, tương ứng 60 tỉ đồng.
Trong kết luận vừa được Bộ Công an ban hành, cơ quan điều tra cho biết, tại Công văn số 1577/TTTD-TTQL ngày 20.9.2023 của Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam xác định, các công ty của bà Mai Thị Hồng Hạnh đang có dư nợ xấu là 6.178,4 tỉ đồng.
Thông tin tài sản đảm bảo một khoản vay của Xuyên Việt Oil tại Vietinbank. Ảnh chụp màn hình.
Trong đó, Xuyên Việt Oil đang nợ 5.907 tỉ đồng tại 4 ngân hàng, bao gồm: nợ BIDV 1.365,2 tỉ đồng; nợ SHB 952,6 tỉ đồng và 60,7 triệu USD; nợ Agribank 77,9 tỉ đồng; nợ VietinBank 1.603,8 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Công ty Việt Oil tại Bến Tre do bà Mai Thị Hồng Hạnh làm giám đốc còn nợ gốc 271 tỉ đồng tại VietinBank chi nhánh Bến Tre. Ngoài ra, Xuyên Việt Oil còn nợ quỹ BOG 219 tỉ đồng.
Thế chấp 100 tỉ tiền gửi để vay 2.000 tỉ đồng
Theo dữ liệu của phóng viên Báo Lao Động, tháng 2.2020, Xuyên Việt Oil đã ký hợp đồng vay vốn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM. Khoản vay có giá trị 97 tỉ đồng với tài sản đảm bảo là 2 Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn, giá trị 55 tỉ đồng và 42 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Tháng 5.2021, Xuyên Việt Oil tiếp tục ký hợp đồng vay 450 tỉ đồng tại BIDV - Chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tài sản đảm bảo là hơn 32,7 triệu lít dầu DO 0,05%S (dầu Diezel) với đơn giá bình quân 13.751 đồng/lít, tương đương giá trị số tiền khoảng 450 tỉ đồng.
Đáng chú ý, ngày 23.2.2022, Xuyên Việt Oil đã ký hợp đồng số 03/2022/7191166/HĐBĐ cho khoản vay 2.000 tỉ đồng tại BIDV - Chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tài sản đảm bảo là số dư tiền gửi và khoản tiền lãi của hợp đồng tiền gửi 100 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín (Sacombank) - Chi nhánh Trung Tâm.
Đến tháng 4.2022, Xuyên Việt Oil tiếp tục đăng ký thế chấp một hợp đồng tiền gửi 50 tỉ đồng tại Sacombank cho khoản vay 2.000 tỉ đồng tại BIDV.
Tháng 9.2022, công ty thế chấp “toàn bộ lợi ích thu được từ việc khai thác giá trị công trình xây dựng trên đất đối với các thửa đất tại Ấp 4 xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành (nay là thị trấn Tân Thành), tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và trạm xăng dầu trên đất", (tổng giá trị tài sản đảm bảo là hơn 507 triệu đồng) cho khoản vay 2.000 tỉ đồng tại BIDV - Chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Tại Ngân Hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), 09.08.2022, Xuyên Việt Oil ký hợp đồng số 01/2022/HĐBĐ/NHCT908 - XUYEN VIET OIL, thế chấp các tài sản là 1 chiếc xe Roll - Royce màu xanh cùng 5 chiếc ôtô Hyundai trắng chuyên chở xăng, dầu (xe Xitéc chở xăng, dầu) để vay vốn tại VietinBank chi nhánh 4 TP.HCM.
Đối với SHB, ngày 27.9.2022, Xuyên Việt Oil thế chấp 56,4 triệu cổ phần phổ thông của Công ty Cổ phần Cảng Việt Oil (giá trị 564 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ sở hữu 94%) và 22 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại Lâm Đồng (giá trị 220 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ sở hữu 55%) do Xuyên Việt Oil sở hữu để vay vốn tại SHB.
Có thể thấy, tài sản đảm bảo cho các khoản vay có giá trị tương đương hoặc thấp hơn nhiều so với giá trị khoản vay của Xuyên Việt Oil tại các ngân hàng.
Mức cho vay tối đa trên tài sản đảm bảo bao nhiêu?
Theo quy định tại Điều 15 Thông tư 39/2016/TT-NHNN về bảo đảm tiền vay như sau:
1. Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận. Việc thỏa thuận về biện pháp bảo đảm tiền vay của tổ chức tín dụng với khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật về biện pháp bảo đảm và pháp luật có liên quan.
2. Tổ chức tín dụng quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho vay không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay.
3. Khách hàng, bên bảo đảm phải phối hợp với tổ chức tín dụng để xử lý tài sản bảo đảm tiền vay khi có căn cứ xử lý theo thỏa thuận cho vay, hợp đồng bảo đảm tiền vay và quy định của pháp luật.
Trước đây, căn cứ theo Điều 12 Quy chế thế chấp, cầm cố tài sản và bảo lãnh vay vốn Ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định 217/QĐ-NH1 năm 1996 (đã hết hiệu lực) có quy định về mức cho vay tối đa trên tài sản bảo đảm bằng 70% giá trị tài sản bảo đảm được xác định và ghi trên hợp đồng vay.
Tuy nhiên hiện nay, quy định này đã hết hiệu lực và nội dung mức cho vay tối đa trên tài sản đảm bảo hiện nay được thực hiện theo thỏa thuận giữa khách hàng và tổ chức tín dụng. Việc thỏa thuận mức cho vay tối đa trên tài sản bảo đảm phải phù hợp với quy định của pháp luật về biện pháp bảo đảm và pháp luật có liên quan.
Trên thực tế, hiện nay, các ngân hàng hay một số tổ chức tín dụng vẫn giữ nguyên mức cho vay tối đa trên tài sản bảo đảm là 70% giá trị tài sản bảo đảm./.
Nguồn: Lục Giang/laodong.vn