Pháp y Thái Lan họp báo về cái chết của 6 người Việt ở Bangkok

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Pháp y Thái Lan họp báo về cái chết của 6 người Việt ở Bangkok

Nhóm pháp y tại Bệnh viện Chulalongkorn công bố nguyên nhân khiến 6 người Việt, trong đó có 4 công dân Việt Nam, tử vong trong cùng một phòng ở Thái Lan.

Chiều 17-7, nhóm pháp y tại Bệnh viện Chulalongkorn đã tổ chức họp báo, thông tin về vụ 6 người Việt chết đang gây rúng động ở Bangkok (Thái Lan). Đây là bệnh viện đã tiếp nhận 6 thi thể ngày 16-7 để khám nghiệm tử thi.

Sơ đồ hiện trường, mũi tên màu đỏ là lối vào phòng - Ảnh chụp màn hình Khaosod

 

Đại diện Bệnh viện Chulalongkorn cho biết nhiều xét nghiệm đang được tiến hành. Các xét nghiệm và kiểm tra ban đầu cho thấy đã tìm thấy dấu vết của "chất hóa học có tác dụng nhanh" được cho là xyanua. Môi các nạn nhân có màu tím, một dấu hiệu cho thấy việc bị thiếu oxy trước khi chết.Trước đó, Hãng tin Reuters dẫn lời cảnh sát Thái Lan trong họp báo sáng 17-7 cho biết ngộ độc xyanua có thể là nguyên nhân tử vong của 6 nạn nhân. Dấu vết của xyanua được tìm thấy trong tách và bình đựng nước được 1 trong 6 người nói trên mang theo.

Bên trong bình là chất lỏng màu đen được cho là cà phê. Theo cảnh sát, đây có thể là lý do khiến nạn nhân không phát hiện được bột xyanua màu trắng. Thông tin của cảnh sát cho thấy cả 6 thi thể đều được tìm thấy tại cùng một phòng.

Các vật dụng được tìm thấy tại hiện trường, trong đó hai chiếc bình giữ nhiệt có dấu vết của xyanua - Ảnh chụp màn hình Khaosod

Nhóm pháp y cho biết quy trình khám nghiệm tử thi bao gồm việc thu thập bằng chứng hình ảnh và mẫu vật. Các mẫu vật này bao gồm máu, nước tiểu, và có thể cả dịch thủy tinh thể.

Theo đó họ nhận thấy về sơ bộ không tìm thấy dấu hiệu thương tích hay bất cứ điều gì bất thường. Ở cả 6 nạn nhân, đặc điểm nổi bật nhất trên các thi thể là dấu hiệu thiếu oxy. Da mặt và các bộ phận khác có màu tím đậm, và máu tụ lại ở 4 vị trí đặc biệt, bao gồm cả đầu ngón tay có màu tím đậm. Điều này cho thấy có thể có sự thiếu oxy liên quan đến cái chết.

Một điểm quan trọng khác là màu sắc của máu tụ lại là màu đỏ tươi, khác với các trường hợp thông thường. Điều này khiến nhóm khám nghiệm tử thi đưa ra giả thuyết ban đầu rằng cái chết có thể liên quan đến một số chất độc, thường gặp nhất là xyanua. Các mẫu đã được thu thập để xét nghiệm độc chất. Tuy nhiên vẫn cần phải điều tra thêm, bao gồm cả khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi chi tiết.

Dựa trên các xét nghiệm ban đầu, nhóm pháp y đi đến kết luận ban đầu về nguyên nhân tử vong có thể là do ngộ độc xyanua, dẫn đến thiếu oxy ở cấp độ tế bào của các cơ quan quan trọng như hệ thần kinh và tim.

Hiện tại họ đã lấy máu để xét nghiệm sàng lọc xyanua trong phòng thí nghiệm và kết quả ban đầu là cả 6 trường hợp đều dương tính với xyanua. Tuy nhiên, cần phải chờ kết quả xét nghiệm máu để xác nhận lại, và việc này có thể mất khoảng 1-2 ngày.

Họp báo tại Bệnh viện Chulalongkorn tiết lộ kết quả khám nghiệm tử thi - Ảnh chụp màn hình Khaosod

Cũng theo nhóm pháp y, dựa trên khám nghiệm bên trong, họ không tìm thấy chất độc hại nào khác trong máu. Không có yếu tố nào khác gây tử vong, do đó nguyên nhân ban đầu vẫn chỉ được xác định có thể là do ngộ độc xyanua. Thời gian tử vong ước tính khoảng 12 đến 24 giờ, nhưng nhiệt độ phòng có thể ảnh hưởng đến quá trình phân hủy, nên không thể xác định chính xác thời gian tử vong.

Nhóm pháp y vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm chi tiết hơn, bao gồm cả xét nghiệm các chất khác trong máu.

Về câu hỏi thời gian chất độc xyanua xâm nhập vào cơ thể nạn nhân là bao lâu, nhóm pháp y cho biết sẽ cần phải kiểm tra chi tiết, nhưng nếu nạn nhân tử vong sau 12 giờ, lượng xyanua phải đủ lớn để gây tử vong.

Lượng xyanua trên 3 mg/l sẽ gây tử vong ở tất cả các trường hợp, nhưng nhà chức trách sẽ cần phải xem xét thời điểm lấy máu và thời điểm chất độc xâm nhập vào cơ thể.

Nguyên tắc đánh giá thời gian tử vong dựa trên sự thay đổi của cơ thể sau khi chết, bao gồm cả sự cứng lại của cơ bắp và sự lắng đọng của máu. Hai yếu tố này chỉ ước tính được khoảng thời gian tử vong, không thể xác định chính xác là 6, 7, hay 8 giờ.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phân hủy, chẳng hạn như nhiệt độ môi trường. Bệnh nhân bị ngộ độc xyanua sẽ có các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào liều lượng và cách thức tiếp xúc.

Đại diện cảnh sát Thái Lan trả lời câu hỏi tại họp báo ở Bệnh viện Chulalongkorn - Ảnh chụp màn hình Khaosod

Theo nội dung trao đổi với thân nhân của những người thiệt mạng, đã có tranh chấp về nợ nần giữa họ. Tướng Noppasilp Poonsawat, phó cảnh sát trưởng Bangkok, cho biết đang điều tra kỹ nguyên nhân một số người trong các nạn nhân đã nhiều lần xuất - nhập cảnh Thái Lan.

Trưa 17-7, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vụ việc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại.

Theo thông tin mới nhất từ đại sứ quán, nhà chức trách Thái Lan cho biết trong số 6 người tử vong có 4 người là công dân Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Ngoại giao đang khẩn trương phối hợp với Bộ Công an xác minh nhân thân của các nạn nhân trên. "Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân và mong gia đình các nạn nhân sớm vượt qua mất mát to lớn này", bà Hằng bày tỏ.

Thông tin xuất/nhập cảnh của các nạn nhân

1/ Sherine Chong: Quốc tịch Mỹ, 56 tuổi, nhập cảnh Thái Lan ngày 5-7. Từng xuất nhập cảnh Thái Lan 5 lần.

2/ Dang Hung Van: Quốc tịch Mỹ, 55 tuổi, nhập cảnh Thái Lan ngày 7-7. Xuất nhập cảnh Thái Lan 1 lần.

3/ Nguyen Thi Phuong Lan: Công dân Việt Nam, 47 tuổi, nhập cảnh Thái Lan ngày 4-7. Xuất nhập cảnh Thái Lan 17 lần.

4/ Pham Hong Thanh: Công dân Việt Nam, 49 tuổi, nhập cảnh Thái Lan ngày 12-7. Xuất nhập cảnh Thái Lan 1 lần.

5/ Tran Dinh Phu: Công dân Việt Nam, 37 tuổi, nhập cảnh Thái Lan ngày 12-7. Xuất nhập cảnh Thái Lan 11 lần.

6/ Nguyen Thi PhuongCông dân Việt Nam, 46 tuổi, nhập cảnh Thái Lan ngày 12-7. Xuất nhập cảnh Thái Lan 3 lần.

Nguồn: Duy Linh - Ngọc Đức/tuoitre.vn