Phá băng loạt dự án trọng điểm đang "đứng hình" ở TPHCM

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Phá băng loạt dự án trọng điểm đang "đứng hình" ở TPHCM

Nhiều dự án “đứng hình” ở TPHCM đang khiến chi phí phát sinh, đội vốn, đặc biệt là ảnh hưởng đến tính đồng bộ hạ tầng, môi trường và đời sống người dân. Do vậy, những giải pháp cấp thiết để “phá băng” cho các dự án cần triển khai sớm ngày nào sẽ giảm thiệt hại ngày đó.

 

Loay hoay gỡ vướng

Trong khi chờ các sở, ngành rà soát thủ tục, dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TPHCM - giai đoạn 1 phát sinh vấn đề mới khi nhà đầu tư không còn vốn để đảm bảo các giải pháp an toàn trong quá trình chờ hoàn thiện.

Ngày 11.3, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (nhà đầu tư) gửi văn bản đến UBND TPHCM với nội dung, việc đảm bảo an toàn giao thông thủy tại các hạng mục công trình rất khó khăn do không còn nguồn thanh toán cho nhà thầu thực hiện. Nếu không có kinh phí duy trì đảm bảo an toàn giao thông thì có nguy cơ dẫn đến va chạm giữa tàu, thuyền với các cống ngăn triều, gây mất an toàn, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn và chất lượng công trình.

“Những khó khăn, vướng mắc của dự án kéo dài nhiều năm chưa được tháo gỡ. Vì vậy, trong trường hợp nếu có xảy ra sự cố liên quan đến dự án, thì nhà đầu tư không thể chịu trách nhiệm” - văn bản của nhà đầu tư nêu.

Phá băng loạt dự án trọng điểm đang "đứng hình" ở TPHCM

Dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng ở TPHCM dừng thi công từ tháng 11.2020 đến nay. Ảnh: Minh Quân

Trong báo cáo gửi UBND TPHCM ngày 7.3 về tình hình thực hiện dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng, Sở KHĐT TPHCM cho biết, dự án đã thi công đạt hơn 90% khối lượng công việc. Các công việc còn lại cần hoàn thiện gồm nhà điều hành, nạo vét thảm đá gia cố lòng sông, cây xanh… Đến nay, khối lượng giải ngân đạt 8.276 tỉ đồng, nhà đầu tư báo cáo nguồn vốn còn lại cần huy động để hoàn thành công trình là 1.800 tỉ đồng.

Sở KHĐT TPHCM cho biết, hiện tại, UBND TPHCM giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố (HFIC) và các sở, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện quy trình ủy thác cho HFIC để cho nhà đầu tư vay vốn thi công phần còn lại nhằm sớm đưa dự án vào khai thác. Tuy vậy, đến nay, việc rà soát các quy trình thủ tục vẫn chưa thực hiện xong.

Còn đối với dự án đoạn 3 thuộc Vành đai 2 TPHCM, ngày 14.3, Sở GTVT TPHCM đã chủ trì cuộc họp nhóm công tác liên ngành với công ty để giải quyết các vướng mắc liên quan đến dự án, song cuộc họp vẫn chưa thống nhất được các nội dung để đi đến ký kết phụ lục hợp đồng.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, giảm tiền lãi phát sinh, nhà đầu tư kiến nghị UBND TPHCM giao các khu đất đối ứng thanh toán hợp đồng BT cho doanh nghiệp vào quý 3 năm nay và điều chỉnh tổng mức đầu tư để đưa vào phụ lục hợp đồng BT.

Với nhiều nội dung còn vướng mắc, nhà đầu tư kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành hoàn thiện việc điều chỉnh các thủ tục chậm nhất vào tháng 6.2024 để tiếp tục triển khai dự án, đặc biệt là việc hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Dự án đoạn 3 thuộc Vành đai 2 TPHCM dừng thi công hơn 4 năm, công trường thành nơi chăn bò. Ảnh: Minh Quân

Dự án đoạn 3 thuộc Vành đai 2 TPHCM dừng thi công hơn 4 năm, công trường thành nơi chăn bò. Ảnh: Minh Quân

Cần mạnh tay xử lý trách nhiệm

Trao đổi với Lao Động, Tiến sĩ Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM, đại biểu HĐND TPHCM cho rằng, nhiều dự án hạ tầng ở thành phố tăng tổng vốn đầu tư chủ yếu do kinh phí đền bù tăng.

Phân tích nguyên nhân, theo chuyên gia này, ở giai đoạn trước, nguồn vốn dành cho công tác bồi thường không kịp bố trí, đồng thời quá trình thương lượng giá đền bù giữa chính quyền với người dân thường kéo dài. Mặt khác, một số dự án do điều chỉnh lại với quy mô lớn hơn, dẫn đến cả chi phí bồi thường và xây lắp đều tăng.

Ngoài ra, theo ông Thắng có nguyên nhân chủ quan là tâm lý cán bộ e ngại khi thực hiện các công việc, gây chậm trễ trong quá trình triển khai dự án.

Vị đại biểu HĐND TPHCM cho hay, các dự án thi công dang dở không chỉ sắt thép để lâu ngoài trời làm ảnh hưởng đến chất lượng còn khiến chi phí phát sinh, đội vốn. Một thiệt hại lớn hơn đó là ảnh hưởng đến tính đồng bộ hạ tầng, môi trường và đời sống người dân.

Để khắc phục tình trạng dự án bị tạm dừng, đội vốn, theo ông Trần Quang Thắng, cần chuyên nghiệp hóa công tác giải phóng mặt bằng. Khâu thủ tục cũng cần giảm bớt để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

“Chỉ có mạnh tay xử lý trách nhiệm, người liên quan mới sợ và tìm mọi cách đảm bảo tiến độ dự án” - ông Thắng nói./.

Nguồn: Minh Quân/laodong.vn