Ôtô bay của Trung Quốc trình diễn lần đầu tiên ở nước ngoài

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Ôtô bay của Trung Quốc trình diễn lần đầu tiên ở nước ngoài

 

Chuyến bay thử nghiệm chiếc ôtô bay không người lái mang tên X2 diễn ra tại thành phố Dubai trong 90 phút ngày 10/10, được mô tả là “nền tảng quan trọng cho ôtô bay thế hệ mới.”

Trong nỗ lực đưa ôtô bay đến các thị trường quốc tế, hãng sản xuất xe điện Xpeng (Trung Quốc) vừa cho phương tiện do hãng chế tạo thực hiện "chuyến bay thử" tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), chuyến bay ra mắt đầu tiên tại thị trường nước ngoài.

Chuyến bay thử nghiệm chiếc ôtô bay không người lái mang tên X2 diễn ra tại thành phố Dubai trong 90 phút ngày 10/10.

Nhà sản xuất Xpeng mô tả chuyến bay này là “nền tảng quan trọng cho ôtô bay thế hệ mới.”

Ôtô bay của hãng Xpeng trình diễn tại Dubai. (Nguồn: heyxpeng.com)

Tổng Giám đốc Xpeng Aeroht - ông Minguan Qiu cho biết: “Chúng tôi đang từng bước tiến ra thị trường quốc tế. Nơi đầu tiên chúng tôi chọn là thành phố Dubai vì đây là thành phố sáng tạo nhất trên thế giới.”

Ôtô bay X2 là sản phẩm của Xpeng Aeroht, công ty con của hãng Xpeng. Phương tiện này có 2 ghế và có thể cất/hạ cánh theo chiều thẳng đứng, sử dụng 8 cánh quạt với mỗi góc của phương tiện có 2 cánh.

X2 nặng 560kg, có thể bay với tốc độ tối đa là 130 km/h theo hình thức tự động hoặc có người lái.

Mẫu X2 dự kiến sẽ được sản xuất hàng loạt vào năm 2024 và có giá gần 1 triệu nhân dân tệ (139.200 USD).

Xpeng Aeroht đang phát triển mô hình thế hệ thứ 6 có thể chạy trên đường như ôtô bình thường và bay trên cao như ôtô bay X2.

Hiện Xpeng Aeroht là công ty ôtô bay lớn nhất châu Á. Ngoài ra, còn có hàng chục công ty khác cũng đang tham gia vào lĩnh vực được đánh giá là rất hứa hẹn, bao gồm cả các hãng ôtô lâu đời như General Motors và Hyundai cũng như các công ty khởi nghiệp như Aeromobil và Volocopter.

Ngành ôtô bay đang nổi lên như giải pháp trong tương lai để giải quyết tắc nghẽn giao thông cũng như giải pháp mới cho hoạt động vận tải cá nhân trong thành phố.

Công ty tư vấn Roland Berger ước tính đến năm 2050, sẽ có tới 160.000 ôtô bay được sử dụng làm taxi bay trên toàn thế giới.

Trong khi đó, công ty dịch vụ tài chính toàn cầu Morgan Stanley cho rằng ngành này sẽ phát triển trở thành thị trường trị giá 1.000 tỷ USD tính đến năm 2040 và 9.000 tỷ USD vào năm 2050./.

Nguồn: Nguyễn Hằng/vietnamplus.vn