Gần 14 năm trôi qua, Dự án tuyến metro số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Hà Nội) vẫn "nằm trên giấy". Bởi lẽ, "nút thắt" quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 vẫn chưa được tháo gỡ.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản bổ sung các phương án quy hoạch mặt bằng ga ngầm C9 (đặt tại khu di tích Hồ Hoàn Kiếm) gửi 4 Bộ cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Quốc hội xem xét, làm cơ sở tổng hợp để báo cáo Thủ tướng.
Việc bổ sung các phương án quy hoạch mặt bằng ga ngầm C9 lần này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được "nút thắt" đang khiến Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm (metro) số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo thoát cảnh "nằm im" gần 14 năm trên giấy.
Ba phương án ga ngầm C9 để "cứu vãn" Dự án metro số 2
Theo đó, Phương án 1: Bố trí ga C9 ra ngoài Vùng bảo vệ II của di tích Hồ Hoàn Kiếm.
Cụ thể, Ga ngầm C9 được điều chỉnh thành ga xếp chồng 4 tầng có kết cấu thân ga trùng với ranh giới Vùng bảo vệ 2, bên dưới đường Đinh Tiên Hoàng và nằm phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), trước Trụ sở HĐND-UBND TP Hà Nội; chiếm dụng khoảng 25 m2 đất trụ sở UBND TP để đảm bảo thi công, kết cấu ga cách tòa nhà gần nhất khoảng 3 m.
Công trình phụ trợ được bố trí chung trong mặt bằng của EVN Hà Nội như phương án ban đầu, gồm tháp làm mát, phòng máy phát điện, cửa lên xuống cho người khuyết tật, tháp thông gió số 1 (cao 13 m) và cửa lên xuống số 1.
Tuy nhiên, do ga ngầm 4 tầng sâu hơn, dài hơn… yêu cầu về thiết bị phụ trợ nhiều hơn nên đòi hỏi diện tích mặt bằng, quy mô tòa nhà phụ trợ lớn hơn phương án đề xuất ban đầu. Để có đủ không gian bố trí các công trình phụ trợ này cần diện tích khoảng 705 m2 trong khu đất của EVN Hà Nội, tăng 260 m2 so với phương án đề xuất ban đầu.
Cửa số lên xuống số 2 và tháp thông gió số 2 được bố trí trên đường Trần Nguyên Hãn như phương án ban đầu.
Đoạn tuyến hầm từ ga C8 đi song song đồng mức đến phố Đồng Xuân rồi chuyển dần sang kết cấu xếp chồng đến ga C9; đoạn tuyến đi dưới khu dân cư, từ phố Hàng Ngang đến phố Đinh Tiên Hoàng có sử dụng một số đoạn cong để vi chỉnh vị trí tim tuyến bên trong hành lang đã phê duyệt; đoạn tuyến dưới đất công cộng từ gần đền Bà Kiệu phải điều chỉnh ra ngoài hành lang đã phê duyệt, đi bên dưới đền bà Kiệu. Sau ga C9, tuyến hầm dần chuyển sang đi song song đồng mức dưới phố Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài đến ga C10…
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội từng bày tỏ lo ngại, nếu bỏ ga ngầm C9 sẽ giảm tới 95% hành khách của tuyến số 2 (Ảnh: MRB).
Phương án 2: Giữ nguyên như phương án ban đầu đã đề xuất phê duyệt
Theo đó, ga ngầm C9 được bố trí tại trước EVN Hà Nội, nằm ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa Hồ Hoàn Kiếm, đỉnh ga cách mặt đất khoảng 2,5 m. Các cửa lên xuống được bố trí trong khuôn viên EVN Hà Nội, trước EVN miền Bắc phía đường Trần Nguyên Hãn, một cửa (số 3) trên vườn hoa Bờ Hồ, thay thế nhà vệ sinh công cộng hiện tại, cửa cuối cùng nằm phía sau tượng đài Cảm tử, dưới lòng đường phố Hàng Dầu phía sau đền Bà Kiệu - UBND quận Hoàn Kiếm đang có đề nghị nghiên cứu dịch chuyển, nếu phương án này được chọn.
Phương án 3: Bỏ ga ngầm C9 hoặc có thể xem xét xây dựng trong tương lai
Về phương án này, theo UBND TP Hà Nội, do đoạn tuyến từ C8 đến C10 dài khoảng 2,6 km nên để đảm bảo an toàn khi vận hành, khai thác… nên trong trường hợp bỏ ga ngầm C9 hoặc xem xét xây dựng trong tương lai đều bắt buộc phải có tháp thông gió và lối thoát hiểm cho hành khách khi xảy ra trường hợp khẩn cấp tại khoảng giữa 2 ga; các hạng mục này sẽ được xây dựng sau khi hoàn thành thi công tuyến ngầm.
Riêng trường hợp xây dựng ga C9 sau khi tuyến đã đi vào vận hành, khai thác là hết sức khó khăn, phức tạp về kỹ thuật, để đảm bảo an toàn hành khách, chi phí xây dựng, thiết bị tăng cao (khoảng 1.200 tỷ đồng) và thời gian thi công kéo dài.
Việc bổ sung các phương án quy hoạch mặt bằng ga ngầm C9 lần này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được "nút thắt" đang khiến Dự án metro số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo thoát cảnh "nằm im" gần 14 năm trên giấy (Ảnh tư liệu).
MRB vẫn "tha thiết" với phương án số 2
Trên cơ sở nghiên cứu, Ban Quản lý Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đề xuất phương án chọn vẫn là phương án 2 - giữ nguyên như phương án đề xuất ban đầu. Nếu không được các Bộ liên quan thống nhất, đề nghị UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định lựa chọn phương án 3 với mục tiêu quan trọng nhất là sớm tiếp tục thực hiện dự án, tránh các thủ tục bổ sung phức tạp phải điều chỉnh lại chủ trương đầu tư do chi phí tăng.
Phân tích về ưu, nhược điểm, MRB cho biết, đối với phương án 1, hướng tuyến và vị trí ga có thay đổi nhỏ so với phương án 2 (phương án ban đầu) và mép của nhà ga C9 nằm sát đường Đinh Tiên Hoàng, nằm ngoài ranh giới Vùng bảo vệ II. Do vậy, các công trình và hầm ngầm ít ảnh hưởng đến di tích.
Tuy nhiên, nhược điểm trong phương án 1 là cần phải giải phóng mặt bằng bổ sung; ga xếp chồng 4 tầng nằm trong đường cong nên bất tiện và có thể gây mất an toàn; giá thành xây dựng tăng cao hơn so với thiết kế ga C9 ban đầu, chi phí vận hành bảo dưỡng tốn kém hơn trong suốt vòng đời của dự án; phải cấm đường và phân luồng trong suốt thời gian dài thi công…
Đối với phương án 2, hướng tuyến hầm và quy hoạch tổng mặt bằng ga C9 đã được nghiên cứu phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, đã được thống nhất ý kiến với các Bộ, ban, ngành và cộng đồng dân cư, thuận tiện, an toàn cho hành khách, phổ biến như các đô thị có di sản nổi tiếng trên thế giới. Chi phí xây dựng và vận hành bảo dưỡng ga ngầm thấp hơn phương án 1. Đây là phương án đã trưng bày công khai lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân hồi tháng 3/2018 đã được hơn 90% số người tham gia ý kiến ủng hộ và đại đa số các nhà khoa học đồng tình trong cuộc hội thảo do Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam tổ chức.
Theo MRB, trên thế giới, việc bố trí ga ngầm gần các trung tâm, khu di tích rất phổ biến. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách tiếp cận cũng như phát huy giá trị khu vực và di tích (Ảnh: MRB).
Hơn nữa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã từng đồng ý về hướng tuyến và vị trí nhà ga C9 (gồm ga chính và các công trình phụ trợ). Tuy nhiên, Bộ này đã thay đổi ý kiến từ năm 2017, không đồng ý vị trí nhà ga C9 do một phần thân ga và cửa số 3 nằm trong Vùng bảo vệ II. Bên cạnh đó, Bộ cùng một số chuyên gia cho rằng tuyến ngầm và ga C9 nằm trong Vùng bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn là vi phạm Luật Di sản.
Đối với phương án 3, tuyến và vị trí cửa thoát hiểm, hầm thông gió có thể sẽ điều chỉnh so với phương án 2 trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị đã phê duyệt. Ngoài ra, phương án 3 giảm thiểu sự ảnh hưởng lên di tích từ việc giảm phạm vi xây dựng do chỉ thực hiện đào hở để xây dựng cửa thoát hiểm, ống thông gió cho hầm ngầm và không có khách lên xuống tàu ở khu vực di tích. Do vậy, chi phí xây dựng thấp hơn so với phương án 2.
Tuy nhiên, phương án 3 có những bất lợi là thay đổi so với quy hoạch chung đã duyệt nên cần báo cáo Thủ tướng chấp thuận; không giải quyết được vấn đề giao thông ở khu di tích Hồ Hoàn Kiếm và vùng lân cận; giảm khả năng tiếp cận và không thuận tiện cho hành khách…
Phối cảnh cửa lên xuống số 1 của ga ngầm C9 (Ảnh: MRB).
Gần 14 năm "nằm im" trên giấy
Dự án metro số 2 là một tuyến quan trọng trong mạng lưới phát triển đường sắt đô thị của TP Hà Nội, có lộ trình từ Nội Bài - Nam Thăng Long - Hoàng Hoa Thám - Bờ Hồ - Hàng Bài - Đại Cồ Việt - Thượng Đình. Dự án có chiều dài 11,5 km trong đó có 2,6 km đi trên cao và 8,9 km đi ngầm, có 3 ga trên cao từ C1 đến C3 và 7 ga ngầm từ C4 đến C10.
Đây là dự án trọng điểm quốc gia của TP Hà Nội, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản và được thành phố phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở năm 2008; được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép tiếp tục triển khai và điều chỉnh dự án tại công văn số 108/TTg-KTN ngày 12/12/2016.
Tất cả các hạng mục tuyến, Depot và các ga đều đã được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng; chỉ riêng mặt bằng ga ngầm C9 đặt tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm hiện vẫn chưa được thông qua. Do vị trí ga C9 được đặt ngầm ngay dưới đường Đinh Tiên Hoàng và một phần diện tích vườn hoa cây xanh phía trước Công ty Điện Lực TP Hà Nội.
Thực tế, vị trí quy hoạch ga ngầm C9 đã được UBND TP đề xuất lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ gần 10 năm trước. Ban đầu, Bộ này đã đồng ý với tất cả các đề xuất về vị trí hướng tuyến (2008), vị trí ga (2010), vị trí các công trình phụ trợ (2015), cuối cùng là vị trí các cửa lên xuống (2017).
Tuy nhiên, từ năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu điều chỉnh vị trí ga C9 ra ngoài vùng bảo vệ II của di tích Hồ Hoàn Kiếm. Kể từ đó cho tới nay, Dự án tuyến metro số 2 tiếp tục nằm im "trên giấy".
Được biết, trên cơ sở góp ý bằng văn bản của các bộ, ngành, UBND TP Hà Nội sẽ tổ chức họp để quyết định phương án đề xuất. Sau đó, Hà Nội sẽ báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
Nguồn: Thế KHa-Nguyễn Trường/dantri.com.vn