Nói xấu nhau trên mạng xã hội, bị bạn bè kích động… hàng nghìn lý do khiến bạo lực học đường xảy ra, gia tăng về tần suất và mức độ nguy hiểm.
Đánh nhau, chỉ vì nói xấu nhau trên mạng xã hội, thậm chí nguyên nhân là vì lỡ cùng thích một bạn trai nào đó, hay xuất phát từ sự kích động của bạn bè… Có hàng nghìn lý do để cổng trường phải náo loạn vì các nhóm hùa nhau, bắt nạt bạn học. Thực tế, hiện tượng bạo lực học đường là câu chuyện không mới, song thời gian gần đây, hiện tượng này xảy ra liên tục hơn, ngày càng gia tăng về tính chất nguy hiểm, và mức độ nghiêm trọng.
Một tuần nằm viện với những vết thương vùng mặt, cô bé học sinh lớp 8 đang trải qua những ngày sang chấn tâm lý, sau khi bị các bạn đánh hội đồng ngay tại nhà.
Bác sỹ Nguyễn Văn Hạnh, Bệnh viện đa khoa Phương Đông, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết: "Ban đầu vào bạn rất hoảng loạn, có sợ, theo dõi chấn thương sọ não. Nhưng qua thăm khám, những vết sưng nề bầm tím giảm nhiều. Tinh thần bệnh nhân ổn định hơn và đã bớt hoảng sợ hơn".
Phụ huynh Giang Công Băng, huyện Đông Anh, Hà Nội bày tỏ: "Sự việc xảy ra ở nhà tôi và các em đã lôi con gái tôi từ trong nhà ra ngoài cổng để đánh, trong đó có học sinh của trường và cả học sinh của trường khác là trường Việt Hàn".
Từ mâu thuẫn nhỏ dẫn tới đánh nhau và rồi kéo theo người lớn phải vào cuộc. Căng thẳng giữa phụ huynh và nhà trường đến giờ chưa thể tìm được tiếng nói chung. Gia đình muốn đòi quyền lợi cho con cái, còn nhà trường cho rằng phải chờ kết luận của cơ quan chức năng. Các học sinh tham gia đánh bạn cũng đã bị đình chỉ học.
Cô giáo Hoàng Thị Thu Hoài, giáo viên chủ nhiệm Lớp 8A2, Trường THCS Vân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết: "Do các cháu nói xấu nhau. Từ mâu thuẫn, không chia sẻ với người lớn, các cháu tự giải quyết như thế này. Giống như con mình bị đánh thôi, mình cũng rất thương".
Trách nhiệm tháo ngòi nổ từ trong trứng nước là việc mà sau mỗi vụ bạo lực học đường đều được rút ra. Tuy nhiên, nắm bắt tâm lý tuổi mới lớn chưa bao giờ là điều dễ dàng.
Theo số liệu gần nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau. Trung bình cứ hơn 11.000 học sinh có một em bị buộc thôi học vì bắt nạt học đường.
PGS.TS Nguyễn Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: "Lời đe dọa ngay từ lúc đầu là xích mích nhỏ, phải có hoạt động nhóm hòa giải ngang hàng để ngay từ xích mích nhỏ được giải tỏa, không làm bùng phát lên vụ việc. Không phải nhà trường mới có trách nhiệm, mà gia đình phải có trách nhiệm. Tất cả phải chung tay thì mới kiểm soát được bạo lực học đường này".
"Đứa trẻ hạnh phúc sẽ dùng tuổi thơ để chữa lành mọi vết thương trong đời. Còn đứa trẻ bất hạnh sẽ dùng cả đời để hàn gắn những tổn thương của thời ấu thơ". Để có một tuổi học trò trong sáng, thì việc vun đắp môi trường học tập lành mạnh, ứng xử tôn trọng nhau là điều cần thiết… để trở thành người tử tế khi trưởng thành.
Nguồn: Hoài Thương, Bằng Việt / VTV.VN