Tranh cãi quanh trọng tài FIFA Việt Nam

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Tranh cãi quanh trọng tài FIFA Việt Nam

Cả ba trọng tài FIFA của Việt Nam đều trở thành tâm điểm chú ý ở ba vòng đấu gần đây nhất vì những quyết định liên quan đến phạt đền và thẻ đỏ.

CLB phản ứng sau trận đấu với các quyết định gây tranh cãi của trọng tài đã khiến những vị "vua sân cỏ" tốt nhất của bóng đá Việt Nam trở thành tâm điểm sau mỗi vòng đấu. Ở vòng 8, trọng tài Hoàng Ngọc Hà bị CĐV Trần Tiến Dũng phun nước bọt. Ở vòng 9, trọng tài Ngô Duy Lân đuổi hậu vệ Đinh Viết Tú của Nam Định. Ở vòng 10, trọng tài Nguyễn Mạnh Hải đuổi ngoại binh Olaha của SLNA, cho chủ nhà Hà Nội hưởng phạt đền.

SLNA trả giá cho hai động tác tay thừa thải trong trận thua CLB Hà Nội. Ảnh: Việt Linh.

Bản lĩnh trọng tài FIFA

Trong năm 2022, bóng đá Việt Nam chỉ có 3 trọng tài FIFA, trong đó có một người đạt cấp Elite là ông Ngô Duy Lân (Long An), hai người còn lại là Hoàng Ngọc Hà (Hà Nội) và Nguyễn Mạnh Hải (Hải Phòng). Ba trọng tài này được đánh giá là có năng lực tốt nhất trong danh sách 24 trọng tài làm nhiệm vụ ở V.League 2022. Họ sẽ thổi những trận có mức độ khó cao nhất từng vòng.

Ban trọng tài VFF sẽ đánh giá tính chất các cặp đấu theo độ khó để chỉ định trọng tài điều hành sau khi xét tiêu chí về địa phương, kỷ luật, sức khỏe. Trước và sau khi trở thành trọng tài FIFA, mỗi người đều phải thường xuyên làm những trận đấu có độ khó cao để được đánh giá và duy trì năng lực.

Điều hành những trận đấu khó nhất vòng, áp lực từ các đội bóng, phản ứng của đội chịu thiệt là điều luôn được các trọng tài FIFA đánh giá trước trận. "Mình phải tìm hiểu đội đó có cầu thủ nào hay phản ứng, ai hay chơi tiểu xảo, đá xấu, cổ động viên đội nhà như thế nào, để nắm được tâm lý trận đấu", một trọng tài trẻ kể lại kinh nghiệm được các trọng tài FIFA Việt Nam truyền đạt.

Tuy nhiên không phải lúc nào trọng tài cũng được bảo vệ, hoặc tự bảo vệ được mình. Ví dụ như trọng tài FIFA Ngọc Hà bị CĐV phun nước bọt ngay bàn trọng tài trên sân Lạch Tray. Hay như trọng tài Ngô Duy Lân bị 9 cầu thủ Nam Định vây lấy sau khi rút thẻ đỏ cho Đinh Viết Tú. Còn trọng tài mới thăng cấp FIFA Nguyễn Mạnh Hải bị bị CĐV Nghệ An tấn công, xúc phạm trên trang cá nhân.

Công việc trọng tài là nghề đặc thù giữa ranh giới đúng sai trong một khoảnh khắc. Với trọng tài có trình độ cao, họ thường xuyên tham gia những trận cầu "nóng". Sai sót trong làm nghề không phải là không có. Theo một thống kê nhỏ của Zing, các trọng tài FIFA vẫn mắc những lỗi nhận định hoặc sai luật và bị kỷ luật như các đồng nghiệp khác. Họ phải chấp nhận điều đó.

Với hành động đạp vào vào cổ chân của Lâm Thuận, Đinh Viết Tú (áo vàng) vẫn được HLV bảo vệ. Ảnh: Anh Duy.

Phản ứng bất kể đúng sai

 

Thực trạng hiện tại của bóng đá Việt Nam, công nghệ truyền hình càng ngày càng nâng cao. Khán giả có thể xem được nhiều góc máy khác nhau, góc làm chậm, tua đi tua lại để đánh giá. Thế nhưng, trọng tài không thể làm được điều này ở V.League do công nghệ video hỗ trợ trọng tài chưa được áp dụng.

Các đội bóng liên tục than phiền về trọng tài sau trận đấu theo một cách rất cảm tính khi đội mình chịu thiệt thòi. CLB SLNA thậm chí đòi khiếu nại trọng tài lên Ban trọng tài VFF. HLV Nguyễn Huy Hoàng, một cựu trung vệ tuyển Việt Nam, không thể đánh giá được pha đánh chỏ của ngoại binh Olaha như thế nào.

Vì sao Olaha không đợi bóng đến rồi mới dang tay bật nhảy? Hoặc làm sao sửa thói quen vung tay tranh chấp trong vòng cấm địa của trung vệ Đặng Văn Lắm? Nhiều cầu thủ SLNA có thói quen kê chỏ vào mặt đối phương và vào bóng bằng gầm giày, dễ dẫn đến lỗi bạo lực. Trọng tài phải xử lý hệ quả của việc đào tạo cầu thủ không tốt từ CLB.

Trước đó, HLV Nguyễn Văn Sỹ và cộng sự lao ra đường biên để phản ứng thẻ đỏ của Đinh Viết Tú. Ông cho rằng: "Thẻ đỏ là quá nặng". Nếu cựu tuyển thủ Việt Nam xem lại cú đạp bằng gầm giày của học trò lên tận cổ chân của cầu thủ Sài Gòn khi đó thì ông đã phải rút lại suy nghĩ của mình.

Đáng lý ra các trận đấu có trọng tài FIFA điều khiển thì các đội phải an tâm hơn về trình độ chuyên môn. Ngược lại, quan chức đội bóng, HLV trưởng luôn tìm cách đổ lỗi cho trọng tài như một cách đẩy trách nhiệm mà không hề xem xét lại cầu thủ của mình thi đấu đúng hay chưa, cần cải thiện điều gì.

Sự việc trọng tài bị phun nước bọt ở vòng 9 là sẽ là sự việc đỉnh điểm ở mùa bóng này. Hình ảnh trọng tài FIFA bị làm xấu đi. Điều này hoàn toàn không giúp các đội bóng chơi tốt hơn. Việc các HLV và CLB cần làm là huấn luyện cầu thủ của mình thi đấu đúng luật chứ không phải đổ lỗi cho trọng tài./.

Nguồn: Quang Thịnh/zingnew.vn