Dự án trăm tỷ của Công ty Đông Đô bỏ hoang chục năm do thành phố Hà Nội chậm giải quyết chính sách?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Dự án trăm tỷ của Công ty Đông Đô bỏ hoang chục năm do thành phố Hà Nội chậm giải quyết chính sách?

Theo lãnh đạo công ty Đông Đô, mấu chốt vướng mắc trong việc triển khai dự án do chính UBND thành phố Hà Nội chậm trễ giải quyết cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp.

Dự án trăm tỷ nhiều năm vẫn là bãi đất bỏ hoang

Ngày 8/6/2011, UBND Thành phố Hà Nội có văn bản số 4321/UBND-KH&ĐT, chấp thuận đề xuất dự án Xây dựng Trường tiểu học Lý Nhân Tông và Trường THCS-THPT Lý Nhân Tông tại Khu đô thị mới Kim Văn-Kim Lũ (Golden Silk) thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai.

Theo đó, dự án được triển khai trên diện tích đất 23.069m2 (trong đó Trường tiểu học 8.618m2, Trường THCS-THPT: 14.451m2); quy mô đào tạo 1.925 học sinh (trong đó Trường Tiểu học 700 học sinh, Trường THCS-THPT: 1.225 học sinh) với số lớp học, số phòng học bộ môn đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế trường chuẩn quốc gia và Điều lệ Trường Tiểu học, THCS, THPT. Dự án do Công ty cổ phần giáo dục Đông Đô làm nhà đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2011 đến năm 2013 với tổng kinh phí dự kiến 130 tỷ đồng.

Dự án này sau đó đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 01121001166 vào ngày 24/9/2012. Đến ngày 27/1/2014, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định số 788/QĐ-UBND thu hồi ô đất PT và Quyết định số 789/QĐ-UBND thu hồi ô đất TH, cho Công ty CP giáo dục Đông Đô thuê đất thực hiện dự án.

Đã gần 10 năm trôi qua, thế nhưng khu đất xây dựng dự án Xây dựng Trường tiểu học Lý Nhân Tông và Trường THCS-THPT Lý Nhân Tông vẫn bị bỏ hoang. Theo ghi nhận thực tế của PV vào sáng ngày 16/3, ô đất TH tại Khu đô thị mới Kim Văn-Kim Lũ (Golden Silk) vẫn chưa có dấu hiệu thi công dự án. Vỉa hẻ khu đất bị các tiểu thương bán hàng rong, xe ôtô đỗ tràn lan, gây mất mỹ quan và gián tiếp ảnh hưởng tới an ninh, trật tự.

Cũng theo ghi nhận của PV, lô đất TH và PT khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ là nơi đặt trụ sở của Công ty cổ phần giáo dục Ngôi sao Hoàng Mai và Công ty cổ phần Giáo dục Đông Đô. Cả hai công ty đều có liên quan đến bà Phạm Bích Ngà. Được biết, bà Ngà cũng là pháp nhân có liên quan đến Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thuơng Mại Hoàng Cường.

Hiện trạng lô đất dự án Xây dựng Trường tiểu học Lý Nhân Tông và Trường THCS-THPT Lý Nhân Tông tại Khu đô thị mới Kim Văn-Kim Lũ. 

Tại kỳ họp thứ 18, HĐND TP khóa XV, cử tri quận Hoàng Mai đã đề nghị TP Hà Nội kiểm tra, đôn đốc Chủ đầu tư sớm thực hiện dự án Trường liên cấp Lý Nhân Tông trong khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ.

Trả lời kiến nghị của cử tri thời điểm đó, UBND TP Hà Nội cho biết Dự án đầu tư xây dựng Trường liên cấp Lý Nhân Tông tại lô TH và PT khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ đã được gia hạn thời gian sử dụng đất 24 tháng tại Quyết định số 2212/QĐ-UBND ngày 29/5/2020, Quyết định 2211/QĐ-UBND ngày 29/5/2020.

UBND TP Hà Nội nhấn mạnh Sở Kế hoạch và Đầu tư đang rà soát, báo cáo đề xuất UBND yêu cầu Công ty cổ phần giáo dục Đông Đô báo cáo nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc chậm triển khai thực hiện dự án, khẩn trương đưa đất vào sử dụng.

Trường hợp sau 24 tháng tính từ ngày quyết định gia hạn, nếu Công ty cổ phần giáo dục Đông Đô vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì sẽ giao Sở Tài nguyên Môi trường lập hồ sơ trình UBND thành phố thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất theo đúng chỉ đạo của thành phố tại hai quyết định nêu trên.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại (ngày 14/3/2022), đã gần 2 năm kể từ ngày thành phố Hà Nội ra quyết định gia hạn thời gian sử dụng lô đất này, thế nhưng Công ty cổ phần giáo dục Đông Đô vẫn chưa có dấu hiệu triển khai dự án.

Dự án bỏ hoang do UBND thành phố Hà Nội chậm giải quyết chính sách

Theo tìm hiểu của PV, KĐTM Kim Văn – Kim Lũ với tổng diện tích 186.529m2, được UBND TP.Hà Nội giao cho Công ty Cổ phần Xây dựng số 2 – Vinaconex 2 là chủ đầu tư. Sau khi hoàn hành hạ tầng kỹ thuật dự án, công ty đã bàn giao cho Thành phố và các chủ đầu tư cấp 2 quỹ đất thương phẩm, quỹ đất công cộng, hạ tầng xã hội.

Ngày 27/1/2014, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định số 788/QĐ-UBND thu hồi ô đất PT và Quyết định số 789/QĐ-UBND thu hồi ô đất TH, cho Công ty Đông Đô thuê thực hiện dự án. Thời điểm đó, 2 ô đất này đã được Vinaconex 2 hoàn thành giải phóng mặt bằng và thi công hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.Ngày 11/5/2013, Vinaconex 2 đã bàn giao mốc giới thực địa cho Công ty Đông Đô.

Từ thời điểm đó, “số phận” của khu đất thực hiện dự án Xây dựng Trường tiểu học Lý Nhân Tông và Trường THCS-THPT Lý Nhân Tông rơi vào tình trạng bỏ hoang nhiều năm. Trả lời báo chí, phía Vinaconex 2 cho rằng Công ty Đông Đô chậm hoàn trả chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cam kết triển khai dự án nhưng rồi…bỏ đó. Vào năm 2020, thậm chí thông tin về việc chủ đầu tư chuyển nhượng toàn bộ dự án với giá 23 tỷ đồng đã xuất hiện trên các trang rao vặt bất động sản.

Ngày 16/3/2022, tại buổi làm việc với PV, bà Lê Thị Thúy – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Giáo dục Đông Đô đã lý giải về khó khăn của phía công ty trong quá trình triển khai dự án. Theo bà Thúy, mấu chốt vướng mắc do chính UBND thành phố Hà Nội chậm trễ trong việc giải quyết cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp.

Thông tin thêm, lãnh đạo Công ty cổ phần Giáo dục Đông Đô cho biết từ trước tới nay, thành phố Hà Nội có chính sách xã hội hoá đặc biệt, theo đó nhà đầu tư sẽ được thành phố hỗ trợ tiền giải phóng mặt bằng đối với các dự án thuộc nhóm giáo dục – y tế.

“Tuy nhiên suốt những năm qua, chúng tôi chưa được thành phố hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng lên tới hơn 100 tỷ đồng. Đây là khoản chi phí đáng lẽ chúng tôi phải được nhận. Vì không được thành phố chi trả tiền giải phóng mặt bằng nên phía công ty chưa thể thanh toán cho Vinaconex 2, dẫn tới việc chậm trễ triển khai dự án”, bà Thuý nhấn mạnh.

Đại diện nhà đầu tư khẳng định dự án sẽ sớm hoàn thành trong năm 2022.

Cũng theo bà Thuý, cho tới khoảng giữa năm 2021, sau nhiều lần làm đơn kiến nghị bộ Tài Chính và các cơ quan chức năng tại thành phố nhưng vẫn không được giải quyết, các cổ đông trong công ty đã thống nhất “tự bỏ tiền túi” để trả chi phí giải phóng mặt bằng cho phía Vinaconex 2.

“Các cổ đông đã phải cắn răng gom tiền để trả cho phía đối tác, vì thực tế nếu chờ UBND thành phố Hà Nội giải quyết theo đúng chính sách thì rất gian nan. Hơn nữa, kể cả thành phố có chấp nhận giải quyết thì cũng khó có khả năng chúng tôi được nhận lại hơn 100 tỷ đồng bằng tiền mặt, như vậy là rất thiệt thòi cho doanh nghiệp”, bà Thuý nói.

Phản hồi những thông tin và hình ảnh báo chí đăng tải về tình trạng nhếch nhác, hay thậm chí tồn tại một bãi xe lớn bên trong khu đất dự án, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Giáo dục Đông Đô khẳng định phía công ty không liên quan.

“Thời gian trước đúng là có một bãi xe lớn bên trong khu đất, nhưng thực tế đây là trách nhiệm của phía Vinaconex 2. Sau khi được toàn quyền quản lý khu đất, chúng tôi đã nhanh chóng yêu cầu dẹp bỏ bãi xe này”, bà Thuý khẳng định.

Theo lãnh đạo Công ty giáo dục Đông Đô, nếu điều kiện cho phép, dự án Xây dựng Trường tiểu học Lý Nhân Tông và Trường THCS-THPT Lý Nhân Tông tại Khu đô thị mới Kim Văn-Kim Lũ chắc chắn sẽ được hoàn thành trong năm 2022. Trong thời gian đó, công ty sẽ tiếp tục kiến nghị UBND thành phố Hà Nội nhanh chóng đưa ra phương án giải quyết, hoàn trả số tiền hơn 100 tỷ đồng mà đáng lẽ doanh nghiệp phải được hưởng./.

Nguồn: Hiếu Nguyễn/doisongphapluat.com