Từ bến Bạch Đằng mở rộng quy hoạch hai bờ sông Sài Gòn

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Từ bến Bạch Đằng mở rộng quy hoạch hai bờ sông Sài Gòn

TS Dương Ngọc Dũng (Trường đại học Hoa Sen) cho rằng để quy hoạch tốt thì TP cần có một triết lý xuyên suốt. Ông Trần Hữu Phúc Tiến đề xuất phải lấy ý kiến của người dân trước khi thực hiện cải tạo...

Tại hội thảo "Lắng nghe ý kiến đóng góp giúp nâng cao hiệu quả công tác chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng - bờ sông Sài Gòn", do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức sáng 10-3, nhóm nghiên cứu đã trình bày nhiều ý kiến về công trình.

Đây là các góp ý của hàng trăm người dân cùng các chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử, quy hoạch kiến trúc, văn hóa… sau một thời gian công trình được khai thác, sử dụng.

Chỉnh trang hệ thống công viên

Kết quả khảo sát cho thấy vẫn còn một số khiếm khuyết cần lưu ý để TP đưa vào quy hoạch những công trình sau này tốt hơn. Từ công trình bến Bạch Đằng, việc quy hoạch cần mở rộng ra hơn dọc hai bên bờ sông Sài Gòn để có một dải liền mạch, đồng bộ.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ - trưởng khoa văn hóa học (đại diện nhóm nghiên cứu) - cho biết người dân có nhiều góp ý cho khu vực bến Bạch Đằng. Một số hạng mục tại đây cần hoàn thiện hơn như bãi giữ xe, nhà vệ sinh công cộng, hệ thống cây xanh, ghế đá, đèn chiếu sáng để đạt tiêu chí thoáng mát, sạch đẹp, văn minh.

Đối với khu vực bến tàu thủy, cần cải tạo và chỉnh trang cấu trúc để đảm bảo tính liên tục của dòng chảy lịch sử, duy trì và phát huy nơi hội tụ của không gian thủy bộ, kết nối xuyên suốt được các không gian dọc hai bờ sông Sài Gòn, mở rộng và tăng chuyến tàu du lịch kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận.

Xa hơn là có quy hoạch tổng thể, chỉnh trang hệ thống công viên dọc hai bờ sông Sài Gòn, sông Bến Nghé, sông Thị Nghè, kênh Tẻ tạo sự kết nối đồng bộ và liền mạch.

Toàn cảnh bến Bạch Đằng, quận 1 (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Tránh "vừa cũ vừa mới"

Góp ý tại hội thảo, TS Dương Ngọc Dũng (Trường đại học Hoa Sen) cho rằng để quy hoạch tốt thì TP cần có một triết lý xuyên suốt.

Việc này giúp cho quy hoạch đồng nhất, tránh sự hổ lốn, vừa cũ vừa mới không ăn nhập trong các công trình; riêng việc thực hiện cần phân tầng chức năng cho từng ngành để họ có chuyên môn thực hiện.

Ông Trần Hữu Phúc Tiến đề xuất phải lấy ý kiến của người dân trước khi thực hiện cải tạo, chỉnh trang bất kỳ công trình công cộng nào. Đối với khu vực bờ sông Sài Gòn, TP không nên chỉ dừng lại ở bến Bạch Đằng mà phải nghiên cứu chỉnh trang cả hai bờ sông, tạo cảnh quan xuyên suốt.

Đồng tình với việc tạo cảnh quan xuyên suốt theo dòng lịch sử, TS Nguyễn Thị Hậu (giảng viên Trường ĐH KHXH&NV) cho rằng cần mở rộng việc chỉnh trang ra tới tận khu vực cầu Mống (ranh giới giữa Sài Gòn và Chợ Lớn) và đầu còn lại là tới cầu Thủ Thiêm 2.

Có thể chia khu vực này làm 3 phần để quy hoạch, trong đó phục dựng lại không gian tàu thuyền du lịch đi từ cột cờ Thủ Ngữ đến cầu Mống như trước đây.

Đối với không gian hiện tại từ cột cờ Thủ Ngữ đến công trường Mê Linh cần phải quy hoạch, thiết kế để phục vụ người dân, du khách.

Phần dưới sông có thể phục dựng lại bến phà theo hướng du lịch, giúp gợi nhớ lại và tăng thêm các sản phẩm du lịch mang tính văn hóa, còn từ công trường Mê Linh đến cầu Thủ Thiêm 2 là không gian cho giới trẻ.

Hướng tới 1 công trình hài hòa

Ông Nguyễn Kim Toản, giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật - chủ đầu tư dự án buýt đường sông và là đơn vị đồng hành cùng TP trong việc cải tạo công trường Mê Linh và một phần bến Bạch Đằng - cho biết rất cảm ơn những đóng góp của người dân và các chuyên gia. Với những cái chưa được, đơn vị sẽ tiếp thu và chỉnh sửa để công trình hài hòa hơn.

"Hiện tại chúng tôi cũng đang tiếp tục được giao chỉnh trang khu vực công trường Mê Linh và tượng đức thánh Trần Hưng Đạo. Công trình này là một vùng ký ức của người dân và mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử của TP.

Chúng tôi tỉ mẩn trong từng hạng mục của công trình. Tôi mong muốn sau khi cải tạo, trùng tu, công trình có thể tồn tại lâu dài, bền vững với thời gian" - ông Toản bộc bạch./.

Nguồn: Lê Phan/tuoitre.vn