Theo quy định của Bộ Y tế hiện nay, cứ 1 học sinh là F0 sẽ có từ 4 - 6 học sinh F1, phải nghỉ ở nhà từ 5 ngày nếu đã tiêm đủ vắc xin và 7 ngày nếu chưa tiêm.
Ghi nhận từ các trường cho thấy quy định này hiện đang gây khó cho cả nhà trường và phụ huynh, học sinh.
Chính vì thế, các trường đang mong Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn mới, phù hợp hơn đối với việc xử lý F1 trong trường học.
Hiệu trưởng cân não với phân loại F1. Có những "khoảng mờ" mà việc thực hiện như thế nào tùy thuộc vào mỗi trường, mỗi hiệu trưởng. Và hiệu trưởng chịu áp lực của cấp trên, của phụ huynh, của truyền thông và gánh nặng trách nhiệm chất lượng giáo dục.
Một hiệu trưởng tâm sự
Liên tục là F1
"Con tôi liên tục bị xác định là F1. Mỗi lần như thế, cháu phải nghỉ ở nhà 5 ngày. Mới nhất là ngày 7-3, cháu mới đi học lại được buổi sáng thì buổi chiều tiếp tục có tên trong danh sách F1, lại tiếp tục ở nhà từ ngày 8-3. Con tôi xét nghiệm COVID-19 có kết quả âm tính nhưng cô chủ nhiệm nói cháu vẫn phải ở nhà cho đủ 5 ngày theo quy định", chị Hòa, phụ huynh học sinh lớp 8 ở TP Thủ Đức, TP.HCM, phản ánh.
Tình trạng như con chị Hòa hiện nay rất phổ biến ở TP.HCM và Hà Nội. Khi số học sinh là F0, F1 tăng cao, nhiều lớp đã phải chuyển hẳn sang học trực tuyến hoặc chỉ còn 1/3 học sinh được đến trường như một lớp ở Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) hiện chỉ có 8/28 học sinh đến lớp, còn lại học trực tuyến.
Thầy Đặng Việt Hà, hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội), cho biết tuần kế tiếp của tháng 3 này, tình hình của nhà trường rất căng với gần 40 giáo viên là F0, nhiều người khác là F1, việc bố trí giáo viên đảm nhiệm các lớp "on-off" rất vất vả. Toàn trường có trên 500 học sinh là F0 và hiện chỉ còn 9 lớp 9 vẫn cầm cự dạy học trực tiếp, các lớp khối 7, 8 đều phải chuyển sang học trực tuyến do phần lớn nằm trong diện F0, F1. Ở Hà Nội hiện có nhiều trường có đến 70-80% giáo viên là F0, F1 và cả ngàn học sinh là F0, F1.
"Nếu duy trì việc dạy học trực tiếp thì tiêu chí để xác định F1 hiện nay cần cụ thể, rõ ràng và điều chỉnh so với thời gian trước đây. Học sinh F1 cách ly 5 - 7 ngày, hết đợt này đến đợt khác thì lớp học sẽ bị xáo trộn mạnh. Tình trạng đó rất khó khăn cho cả giáo viên và học sinh, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học", thầy Hà chia sẻ.
Nhiều lớp học của Trường THCS Chu Văn An, Hà Nội đến lớp với sĩ số chỉ 1/3, thậm chí 1/4 - Ảnh: NAM TRẦN
Xác định F1, mỗi nơi một cách
Theo thầy Hà, hiện chưa có quy định cụ thể nào của ngành y tế và giáo dục về xác định F1 trong bối cảnh rất mới như hiện nay. Trong khi nếu chỉ "có tiếp xúc" là F1 thì số F1 hiện nay rất lớn. Vì thế các trường đều phải linh hoạt, tùy cơ ứng biến.
"Trường tôi xác định giáo viên, học sinh ngồi sát bên trên, dưới, trái, phải với học sinh F0 tại trường và có giao tiếp là F1. Ngoài ra, giáo viên, học sinh có người thân cùng sống trong một nhà là F0 thì họ là F1. Các trường hợp khác thì không phải F1. Tuy nhiên, đây chỉ là nhà trường tự quy định để phân loại chứ không có hướng dẫn cụ thể trong tình huống mới hiện nay", thầy Hà chia sẻ.
Trường THCS Yên Hòa (Hà Nội) hiện cũng đang có 38 giáo viên và 1 nhân viên là F0. Tuần trước trường này có hơn 1.000 học sinh là F0 và F1 nên 22 lớp phải chuyển sang học trực tuyến.
Nhưng theo cô Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng trường này, sau khi rà soát, phân loại lại F1 thì hiện số F1 chỉ còn gần 300 học sinh, số F0 có trên 400 học sinh. "Việc đánh giá trường hợp F1 rất phức tạp và là một trong những việc đau đầu của nhà trường lúc này. Vì nếu nhiều học sinh không đáng phải cách ly mà xếp vào F1 thì cũng thiệt thòi khi các em không được học trực tiếp. Nhưng nếu không xem xét kỹ, hoặc có những trường hợp không lường được học sinh đi học mà trở thành F0 thì lại là lỗi của trường, khiến phụ huynh nhìn vào không yên tâm", cô Nhiếp chia sẻ.
Trong khi đó, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) phải chủ động mời một nhóm bác sĩ, nhân viên y tế là phụ huynh của trường hỗ trợ việc xác định F1, và nguy cơ ở mức độ khác nhau của các nhóm F1. Sau khi phân loại thì việc quyết định hình thức dạy học phải tính toán từng ngày cho từng lớp và chỉ quyết định vào chiều tối hôm trước.
"Chóng mặt vì chuyển đổi. Ai dạy học mới hiểu để thích ứng giữa "on" và "off" không dễ; tâm lý giáo viên, học sinh, chất lượng dạy học không thể nói không bị ảnh hưởng", một giáo viên THCS chia sẻ tâm trạng.
Một học sinh F1 (do cô giáo F0) học trực tuyến - Ảnh: TỰ TRUNG
Thầy trò cùng mệt mỏi
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều hiệu trưởng trường THCS, THPT ở TP.HCM cho biết họ đang rất đau đầu với tình hình học sinh, giáo viên là F0, F1 liên tục tăng như hiện nay. Trong điều kiện có em đi học, em ở nhà thì không thể nào nhà trường làm vừa lòng tất cả phụ huynh.
Tuy nhiên, theo chị Như Mai - một phụ huynh có con học lớp 9, điều quan trọng nhất trong việc xử lý F1 hiện nay chính là sự thiệt thòi khi học sinh phải ở nhà học trực tuyến. Khi có quyết định mở cửa trường lớp trở lại, nhà trường chỉ chú trọng vào việc dạy trực tiếp mà không có biện pháp căn cơ cho những học sinh phải ở nhà. Trong khi đó, số học sinh F0, F1 không được đến trường ngày càng nhiều và lặp đi lặp lại.
Trong tình cảnh đó, nhiều trường phổ thông ở TP.HCM hiện đang áp dụng lớp học 2 trong 1: phát sóng dạy trên lớp cho học sinh ở nhà cùng theo dõi. Thế nhưng, nhiều học sinh phản ánh rằng việc học theo hình thức này không hiệu quả vì lớp ồn, học sinh ở nhà không nghe được lời thầy cô một cách rõ ràng, những hình ảnh, con số, con chữ được chiếu, viết trên bảng các em cũng không xem rõ.
Với cách "on-off" trong cùng một khung giờ thì một giáo viên môn toán phân tích: "Trên thực tế, có giáo viên dạy 2 trong 1 khá tốt khi vừa giảng bài trên lớp, vừa chia sẻ bài dạy giáo án điện tử cho những học sinh đang học ở nhà. Nhưng với môn toán của tôi thì không thể làm như vậy. Tôi phải vẽ hình, viết các con số trên bảng để giảng giải cho học sinh hiểu nên đành chấp nhận để cho học sinh ở nhà thiệt thòi"./.
Nguồn: Vĩnh Hà - Hoàng Hương/tuoitre.vn