Thí điểm dùng căn cước gắn chip khám chữa bệnh BHYT

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Thí điểm dùng căn cước gắn chip khám chữa bệnh BHYT

Bộ Y tế vừa hướng dẫn các bệnh viện công khai cho người dân biết về khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip.

Ngày 28/2, Bộ Y tế cho hay việc khám chữa bệnh cho người có căn cước công dân gắn chip đã được tích hợp mã thẻ BHYT, hoặc qua ứng dụng VNEID, chỉ áp dụng với người đã đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cung cấp.

Với người bệnh đã được cấp căn cước gắn chip, bệnh viện kiểm tra căn cước bằng cách quét mã QR Code hoặc qua ứng dụng VNEID. Nếu cơ sở y tế thấy thông tin hợp lệ, xác nhận tham gia BHYT thì đối chiếu thông tin, đón người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh BHYT hiện hành. Cơ sở y tế đồng thời phải thông tin cho bệnh nhân biết trong lần đi khám tiếp theo.

Trường hợp kiểm tra thông tin và thấy không hợp lệ, cơ sở y tế cần giải thích rõ cho người bệnh biết tình trạng của thẻ BHYT trên căn cước chưa thể thực hiện được. Việc khám chữa bệnh BHYT với những trường hợp này diễn ra bình thường bằng cách dùng thẻ BHYT giấy, giấy tờ tùy thân có ảnh và áp dụng với người chưa có căn cước công dân gắn chip.

Bộ Công an hiện đã cấp được hơn 50 triệu căn cước công dân gắn chip. Ảnh:Giang Huy

Bộ Y tế cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Công an sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật để các cơ sở khám chữa bệnh toàn quốc thực hiện. Với việc thí điểm hình thức này, người dân cả nước có thể đi khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ căn cước công dân gắn chip, thẻ BHYT giấy hoặc dùng ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID.

Từ 25/2, Bộ Công an cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân cả nước thông qua nghiệp vụ cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân. Tài khoản này gồm tên đăng nhập (là mã số định danh cá nhân) và mật khẩu đã được Bộ Công an cung cấp, xác thực qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tài khoản này do ngành công an quản lý và xác thực.

Nếu chưa có căn cước gắn chip, người dân vẫn khám chữa bệnh BHYT bình thường bằng thẻ giấy hoặc ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID. Ảnh: Nguyễn Đông

Người dân có nhu cầu cấp tài khoản định danh điện tử sẽ đăng ký với cán bộ công an cấp huyện (cán bộ tiếp nhận giấy tờ làm căn cước công dân gắn chíp) với thông tin như số điện thoại, email. Trường hợp muốn đăng ký tích hợp các thông tin hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia các giấy tờ như giấy phép lái xe, đăng ký xe, BHXH, BHYT... cần mang thêm các loại giấy tờ gốc để đối chiếu.

Cả nước hiện có 88,8 triệu người tham gia BHYT. Năm 2021, hai ngành công an và bảo hiểm xã hội đã kết nối, chia sẻ 33 triệu lượt thông tin công dân có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và dân cư.

Nguồn: Hồng Chiêu/vnexpress.net