Truy đến cùng việc kêu thiếu xăng dầu: Có thể điều hành ngắn ngày hơn

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Truy đến cùng việc kêu thiếu xăng dầu

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp và các địa phương Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng xem xét việc cho phép điều hành với tần suất dày hơn thay vì 10 ngày một lần theo nghị định.

UBND TP.HCM cho biết sẽ kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính nghiên cứu tham mưu Chính phủ trong các trường hợp đặc biệt cần có cơ chế linh hoạt, điều chỉnh giá xăng dầu kịp thời để các doanh nghiệp đầu mối chủ động, điều phối nguồn cung phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Bỏ kỳ điều chỉnh vì... nghỉ tết

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cho rằng để xảy ra tình trạng khan hàng tại một số cửa hàng xăng dầu tại các tỉnh phía nam trong thời gian qua là do thiếu tính linh hoạt trong điều hành.

Tổng kho xăng dầu Nhà Bè (TP.HCM) thuộc PVOil - HUY HÙNG

Nghị định 95/2021 quy định rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu trong nước từ 15 ngày xuống 10 ngày là rất tốt, giá xăng dầu trong nước sát với giá thế giới hơn. Thế nhưng, tại kỳ điều chỉnh giá vừa qua lại rơi đúng kỳ nghỉ tết nên “các ông” đã bỏ qua, cho kéo dài sang chu kỳ kế tiếp là vào ngày 11.2 khiến công tác điều hành giá cả xăng dầu trong nước bị lệch pha. Thế nên đã xảy ra tình trạng giữ hàng để bán khi giá điều chỉnh tăng. Bên cạnh đó, còn có một số lý do khác như nhà máy lọc dầu tạm ngưng hoạt động... Tuy nhiên, mọi cái đều có giải pháp của nó nếu nhà điều hành linh hoạt hơn trong thời gian qua.

Theo tôi, nguồn cung xăng dầu trong nước không thiếu, cho dù Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đang “dọa” tạm ngưng hoạt động đi nữa vẫn không thiếu đâu. Hiện ngoài dự trữ quốc gia thì doanh nghiệp cũng có nguồn dự trữ riêng nên không thể nói nhu cầu tăng quá, chúng tôi hết hàng, không bán nữa.

PGS-TS Ngô Trí Long

“Các tổng đại lý, thương nhân, Bộ Công thương cũng đã “bắt bệnh” đúng tình trạng này rồi. Theo tôi, nguồn cung xăng dầu trong nước không thiếu, cho dù Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đang “dọa” tạm ngưng hoạt động đi nữa vẫn không thiếu đâu. Hiện ngoài dự trữ quốc gia thì doanh nghiệp cũng có nguồn dự trữ riêng nên không thể nói nhu cầu tăng quá, chúng tôi hết hàng, không bán nữa. Bên cạnh đó, các hợp đồng mua bán xăng dầu thường phải ký trước để cung ứng từ 2 - 3 tuần, các đầu mối và đại lý hoàn toàn chủ động được nguồn cung. Trong khi đó, nhu cầu mua xăng dầu đi lại vào dịp tết tăng thì năm nào chả tăng. Có năm tăng 30 - 40% là bình thường. Chẳng hạn, ngay dịp đi lễ hội vía bà Châu Đốc mọi năm chưa dịch còn tăng gấp mấy lần, nên nói nhu cầu về quê này kia tăng thiếu cục bộ chưa thuyết phục lắm”, ông Long nói.

Có thể rút ngắn ngày điều chỉnh giá

Theo ông Long, tâm lý chung của nhà kinh doanh là khi thấy giá biến động tăng, thường có tâm lý chờ đợi, bán nhỏ giọt, chờ giá lên mới bán. Trong quá trình giá tăng, chiết khấu cho các đại lý lại thấp, chênh lệch giữa giá mua và bán không lớn khiến các cửa hàng không mặn mà bán. Xăng dầu không đơn thuần là hàng hóa mà là vấn đề an ninh năng lượng.

Thế nên, giải pháp lâu dài, theo ông Long, là cần thanh tra và xử lý mạnh các đại lý, tổng đại lý bị phản ánh thiếu hụt hàng. Hiện các chế tài xử phạt vi phạm hành chính chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, thanh tra việc có hay không các tổng đại lý và nhà phân phối bán ra nhỏ giọt, cho dù nay đã được khắc phục, thì lý do họ đưa ra có hợp lý không hay vì lý do nào khác, đặc biệt lý do như Bộ Công thương đã kết luận là có tình trạng găm hàng. Nếu vậy, phải xử lý mạnh hơn chứ không phải chỉ là nhắc nhở khắc phục.

Tại cuộc họp ngày 9.2, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp và các địa phương Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng xem xét việc cho phép điều hành với tần suất dày hơn thay vì 10 ngày một lần theo nghị định. “Điều này là để phản ứng linh hoạt với tình hình giá dầu thế giới biến động theo chiều tăng cao, để không gây khó hay quá thiệt thòi cho doanh nghiệp”, ông Diên nói.

Về lâu dài, ông Diên cũng cho hay cần đề nghị nâng mức dự trữ bằng hiện vật (thay vì bằng tiền) để bảo đảm không bị đứt gãy nguồn cung với mặt hàng chiến lược này.

Hệ thống kho dự trữ xăng dầu hiện nay trên địa bàn TP.HCM có công suất chứa 1.232.129 m3 (chưa tính hệ thống kho xăng dầu của đơn vị quân đội đang đóng quân trên địa bàn TP làm nhiệm vụ cấp phát xăng dầu phục vụ quốc phòng và có tham gia bán lẻ), đảm bảo đủ mức tồn trữ xăng dầu tối thiểu 30 ngày theo quy định. Tổng lượng tiêu thụ xăng dầu bình quân trên địa bàn TP đạt 6.880 m3/ngày (tương đương 206.400 m3/tháng)./.

Nguồn: Nguyên Nga - Trí Hiếu/thanhnien.vn