Sau khi rà soát, đại diện viện kiểm sát xác định số lượng nhà đầu tư được xác định là bị hại trong vụ án Trịnh Văn Quyết giảm từ hơn 30.000 xuống còn hơn 25.000 người.
Ngày 29.7, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm trong vụ án lừa đảo và thao túng chứng khoán.
Vụ án này, bị cáo Trịnh Văn Quyết bị đề nghị mức án cao nhất: 5 - 6 năm tù về tội thao túng thị trường chứng khoán, 19 - 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt từ 24 - 26 năm tù.
Riêng với tội lừa đảo, ông Quyết bị cáo buộc chỉ đạo nâng khống vốn điều lệ của Công ty CP Xây dựng FLC Faros (Công ty Faros) từ 1,5 tỉ đồng lên tới 4.300 tỉ đồng, sau đó làm hồ sơ đề nghị niêm yết, bán cổ phiếu ROS cho các nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của hơn 30.000 người.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết - PHÚC BÌNH
Bào chữa cho cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, luật sư cho rằng trong số hơn 30.000 người nêu trên, chỉ có 133 người mua cổ phiếu ROS ban đầu và hiện chưa bán mới đáp ứng các tiêu chí về bị hại. Ngược lại, những người dù mua cổ phiếu nhưng đã bán thì không thể được coi là bị hại.
Vị luật sư dẫn kết quả tra cứu ngẫu nhiên cho thấy có 5 trường hợp bị hại đã bán cổ phiếu ROS và lãi hàng trăm triệu đồng. Điều này đặt ra khả năng trong số hơn 30.000 nhà đầu tư được xác định là bị hại, nhiều người có thể có lãi. Chưa kể, nhiều bị hại trong danh sách bị trùng lặp hoàn toàn về nhân thân và địa chỉ, do đó con số chắc chắn ít hơn cáo trạng nêu.
Đối đáp về nội dung trên, đại diện viện kiểm sát cho hay, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết có vai trò chủ mưu, cầm đầu, tổ chức trong việc lừa đảo bán cổ phiếu ROS cho hơn 30.000 nhà đầu tư, qua đó chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng.
Quá trình thực hiện hành vi phạm tội cho thấy, sai phạm của các bị cáo là một chuỗi hành vi, kéo dài trong nhiều năm. Khởi đầu là việc tăng vốn khống từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng, trong đó chỉ có gần 1.200 tỉ đồng là vốn góp thực, còn lại hơn 3.100 tỉ đồng là ảo.
Tiếp đến, các bị cáo đưa cổ phiếu ROS lên sàn chứng khoán, lợi dụng Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) để thực hiện hành vi phạm tội bằng việc bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư.
Theo kiểm sát viên, hơn 30.000 nhà đầu tư lầm tưởng Công ty Faros có vốn thật nên đã bỏ tiền ra mua cổ phiếu ROS. Nhờ việc này, bị cáo Trịnh Văn Quyết thu về hơn 4.800 tỉ đồng, trừ đi số vốn góp thực (gần 1.200 tỉ đồng), số tiền hưởng lợi bất chính là hơn 3.600 tỉ đồng.
Các bị cáo trong vụ án liên quan ông Trịnh Văn Quyết - PHÚC BÌNH
Đại diện viện kiểm sát cũng khẳng định, bị hại phải được xác định tại thời điểm hành vi chiếm đoạt thực hiện xong. Tuy nhiên, sau khi luật sư của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC có ý kiến, cơ quan công tố đã rà soát, thấy một số trường hợp trùng tên người sử dụng tài khoản chứng khoán, vì thế xác định lại số lượng bị hại trong vụ án là hơn 25.000 người.
Dù số lượng bị hại có thay đổi nhưng theo kiểm sát viên, việc này không làm thay đổi kết quả điều tra vụ án; trọng tâm vẫn là việc bị cáo Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống, thu tiền về rồi sử dụng cho mục đích cá nhân.
Ngoài 133 bị hại đã có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, số bị hại còn lại được quyền tiếp tục yêu cầu đòi bồi thường theo quy định của pháp luật.
Đề nghị giảm mức án cho 2 bị cáo
Cũng trong phần đối đáp, đại diện viện kiểm sát cho hay, phần lớn các bị cáo trong vụ án đều có trình độ, am hiểu, hiểu biết về chứng khoán và thị trường chứng khoán, một số còn làm trong cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
Quá trình xét xử, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi bị truy tố. Nhiều bị cáo tích cực tìm cách khắc phục hậu quả.
Đại diện viện kiểm sát khẳng định, các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tích cực khắc phục hậu quả sẽ được hưởng khoan hồng. Ngược lại, những bị cáo giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, ngoan cố, chối tội… sẽ bị xử lý nghiêm.
Với tinh thần trên và diễn biến thực tế tại phiên tòa, đại diện viện kiểm sát đề nghị thay đổi mức án đối với bị cáo Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch HĐQT HOSE) từ 8 - 9 năm tù xuống còn 7 - 8 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Một bị cáo khác cũng được đề nghị thay đổi mức án là Nguyễn Thanh Bình (cựu Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty RTS), từ 8 - 9 năm tù xuống còn 7 - 8 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản./.
Nguồn: Tuyến Phan/thanhnien.vn