Quá trình xét xử, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết thể hiện nhận thức của bản thân về những sai phạm đã gây ra, đồng thời bày tỏ mong muốn khắc phục hậu quả vụ án.
Chiều nay 26.7, sau gần 2 ngày tạm nghỉ, phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm sẽ tiếp tục làm việc. Đại diện Viện KSND TP.Hà Nội trình bày quan điểm luận tội đối với 50 bị cáo.
Vụ án liên quan ông Trịnh Văn Quyết từng gây chấn động thị trường chứng khoán, cả về quy mô và tính chất phạm tội. Đến nay, hậu quả đang được ông Quyết cùng gia đình dần khắc phục. Trong hơn 3 ngày xét xử trước đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng có nhiều hành động cho thấy đã nhận thức được sai phạm của bản thân.
Xin dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả
Theo cáo buộc của Viện KSND tối cao, ông Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã thực hiện thao túng 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, thu lợi bất chính hơn 723 tỉ đồng.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC còn chỉ đạo cấp dưới nâng khống vốn Công ty CP Xây dựng FLC Faros (Công ty Faros), đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán HOSE, sau đó bán cho nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng.
Tính riêng cá nhân, ông Quyết chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền chiếm đoạt và thu lợi bất chính hơn 4.300 tỉ đồng.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết được dẫn giải đến tòa - PHÚC BÌNH
Quá trình giải quyết vụ án, ông Trịnh Văn Quyết khắc phục được hơn 212 tỉ đồng. Ngoài ra, cơ quan tố tụng còn kê biên hàng loạt nhà đất, đề nghị phong tỏa 500 tài khoản chứng khoán với số dư hơn 243 triệu cổ phiếu của ông Quyết và người liên quan.
Tại tòa, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC nhiều lần bày tỏ nguyện vọng muốn dùng hết tài sản cá nhân để bồi thường cho các nhà đầu tư. Theo ước tính của bị cáo, số tài sản này trị giá khoảng 5.000 tỉ đồng. Đây là cũng là toàn bộ gia tài của ông Quyết có được sau hơn 20 năm lăn lộn trên thương trường.
Vẫn theo cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, hiện ông và người liên quan đã bán "đứa con tinh thần tâm huyết nhất" là hãng hàng không Bamboo Airways. Cùng với hơn 212 tỉ đồng đã khắc phục, nếu đối tác thanh toán thêm 500 tỉ đồng nữa, số tiền này sẽ lập tức được nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tố tụng, nhằm khắc phục hậu quả vụ án.
Với khối tài sản đang bị phong tỏa, ông Trịnh Văn Quyết tha thiết được gỡ các lệnh kê biên, phong tỏa để có thể bán, lấy tiền trả cho nhà đầu tư. Bị cáo tin rằng mình đủ khả năng để khắc phục thiệt hại do các hành vi phạm tội đã gây ra.
Ý thức khắc phục của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC không chỉ thể hiện ở lời nói mà còn bằng hành động. Ngay khi phiên tòa đang diễn ra, vợ bị cáo này đã nộp thêm 25 tỉ đồng, nâng tổng số tiền khắc phục lên khoảng 240 tỉ đồng.
"Từ trong tại giam, bị cáo luôn đau đáu tìm mọi biện pháp khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án", ông Quyết nói.
Các bị cáo trong vụ án liên quan ông Trịnh Văn Quyết - PHÚC BÌNH
"Chưa bao giờ có mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư"
Cùng với ý thức khắc phục hậu quả, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết còn cho thấy nhận thức của bản thân về những sai phạm đã gây ra.
Trước khi phiên tòa được mở, luật sư của ông Quyết cho hay, bị cáo đã hiểu rõ về hành vi của bản thân, vì vậy xin chịu toàn bộ trách nhiệm hình sự và dân sự như cáo buộc. Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng mong cơ quan chức năng áp dụng chính sách khoan hồng cho các bị cáo là người thân, đồng nghiệp cấp dưới liên quan đến vụ án.
Sự chuyển biến này được chứng minh bằng diễn biến phiên xử. Trong phần xét hỏi, hội đồng xét xử đặt nhiều câu hỏi về việc nâng khống vốn Công ty Faros và thao túng các mã chứng khoán diễn ra như thế nào, thu lợi bất chính và chiếm đoạt bao nhiêu tiền, tiền có được sử dụng vào mục đích gì…
Phần lớn câu hỏi trả lời, ông Quyết cho biết do thời gian đã lâu nên không nhớ cụ thể, xin "tôn trọng mô tả của cáo trạng" và chấp nhận phán quyết của tòa án, không biện hộ gì thêm.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng dành những lời "gan ruột" về Công Faros. Bị cáo nói "chưa bao giờ có mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư". Bởi lẽ, khi mua lại công ty rồi đổi tên thành Faros, ông Quyết có mong muốn duy nhất là xây dựng một thương hiệu lớn cho Tập đoàn FLC trong lĩnh vực xây dựng.
Công ty Faros được kỳ vọng trước tiên là phục vụ cho các dự án nội bộ của Tập đoàn FLC, sau là phát triển ra cả bên ngoài. Và thực tế, doanh nghiệp này đã hoạt động tốt, tham gia vào nhiều dự án lớn của tập đoàn tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Tham gia xét hỏi, luật sư của ông Quyết đặt một câu hỏi, rằng cổ phiếu ROS của Công ty Faros từng đạt đỉnh với mức giá hơn 200.000 đồng, vì sao bị cáo không bán ở thời điểm này mà khi cổ phiếu rớt giá xuống còn khoảng 2.000 đồng mới thực hiện?
Không mất nhiều thời gian, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC khẳng định "không bao giờ muốn bán cổ phiếu của Faros", chỉ vì khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên buộc phải bán. Ông Quyết nói, mức giá cổ phiếu đã bán thấp hơn giá trị thực tế của Công ty Faros, vì thời điểm ấy doanh nghiệp đang hoạt động tốt.
Hơn thế, dự định ban đầu của bị cáo là bán cổ phiếu để tháo gỡ khó khăn cho tập đoàn, sau khi tháo gỡ xong thì sẽ mua lại. Thế nhưng, tính toán này chưa kịp thực hiện thì ông đã bị bắt.
Nhà đầu tư xin giảm nhẹ cho bị cáo Trịnh Văn Quyết
Trong số gần 100.000 nhà đầu tư được tòa triệu tập với tư cách bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, chỉ có khoảng vài chục người đến. Đa số đều mong muốn cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC đứng ra khắc phục hậu quả. Một vài ý kiến còn đề nghị xem xét giảm nhẹ cho bị cáo.
Ông Vũ Xuân H. (trú tại Hà Nội), mua cổ phiếu ROS trong khoảng thời gian năm 2018 - 2019, đến nay còn nắm giữ 1.300 cổ phiếu. Nhà đầu tư này muốn hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho ông Trịnh Văn Quyết, để bị cáo sớm được trở về tiếp tục sản xuất kinh doanh, cũng là để không ảnh hưởng đến các nhà đầu tư còn đang nắm giữ cổ phiếu./.
Nguồn: Tuyến Phan/thanhnien.vn