Theo thống kê, hơn 48.000 người dân Mỹ đã chết vì vết thương do súng vào năm 2022 và hầu hết người dân Mỹ đều lo lắng người thân của họ có thể trở thành nạn nhân của bạo lực súng đạn.
Bạo lực súng đạn đã trở thành cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng tại Mỹ do số người thương vong liên quan đến súng ở nước này ngày càng tăng nhanh.
Đây là lời cảnh báo mà Tiến sỹ Vivek Murthy, người đứng đầu Cơ quan Dịch vụ Y tế Công cộng của Mỹ, đưa ra khi nước này vừa trải qua một ngày cuối tuần được đánh dấu bằng các vụ xả súng hàng loạt khiến hàng chục người chết và bị thương.
Để giảm thiểu số ca tử vong do bạo lực súng đạn, Tiến sỹ Murthy kêu gọi chính phủ Mỹ cấm mua bán súng trường tự động, áp dụng biện pháp kiểm tra lý lịch phổ quát đối với người mua súng, thông qua luật hạn chế sử dụng súng ở nơi công cộng và có hình phạt nghiêm khắc với những người không cất giữ vũ khí an toàn.
Ngoài các quy định mới, Tiến sỹ Murthy kêu gọi tăng cường nghiên cứu về bạo lực súng đạn và hệ thống y tế để thúc đẩy giáo dục về an toàn súng đạn.
Một cửa hàng bán súng ở Capitol Heights, Maryland, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo thống kê, hơn 48.000 người dân Mỹ đã chết vì vết thương do súng vào năm 2022. Tình trạng này khiến hầu hết người dân cảm thấy lo lắng người thân của họ có thể trở thành nạn nhân của bạo lực súng đạn.
Trước đó, Tiến sỹ Murthy đã công bố cảnh báo về các xu hướng sức khỏe đáng lo ngại trong đời sống người dân Mỹ, bao gồm cả việc sử dụng mạng xã hội và sự cô đơn.
Vào năm 2017, Tiến sỹ Murthy đã bị Tổng thống Donald Trump cách chức do những phát biểu liên quan tới bạo lực súng đạn, nhưng Tổng thống Joe Biden sau đó lại đề cử ông vào vị trí này vào năm 2021.
Đưa vấn đề bạo lực súng đạn ra khỏi phạm vi chính trị
Tiến sỹ Murthy cho biết bây giờ là lúc nước Mỹ cần đưa vấn đề bạo lực súng đạn ra khỏi lĩnh vực chính trị và đặt nó vào lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, giống như cách nước này đã làm để đối phó với tình trạng hút thuốc hơn nửa thế kỷ trước.
Chuyển nạn nhân bị thương trong vụ xả súng ở Kansas, Missouri, Mỹ, ngày 14/2/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tiến sỹ Murthy đặc biệt lưu ý trẻ em và những người Mỹ trẻ tuổi đang là những nạn nhân phải hứng chịu bạo lực súng đạn.
Theo nghiên cứu của ông, tỷ lệ tự tử bằng súng đã tăng đáng kể trong những năm gần đây đối với người Mỹ dưới 35 tuổi. Trẻ em ở Mỹ có nguy cơ tử vong vì vết thương do súng cao hơn trẻ em ở các quốc gia khác.
Người đứng đầu Cơ quan Dịch vụ Y tế Công cộng của Mỹ nói: “Tôi hy vọng nếu chúng ta hiểu đây là vấn đề của trẻ em thì chúng ta sẽ đưa nó vào danh sách ưu tiên, chúng ta sẽ coi nó không phải là một vấn đề chính trị mà là một vấn đề sức khỏe cộng đồng mà tất cả mọi người cần quan tâm.”
Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) báo cáo tỷ lệ thương tích do súng trong năm 2023 vẫn cao hơn mức trước đại dịch COVID-19 trong năm thứ tư liên tiếp.
Dữ liệu sơ bộ của CDC cho thấy tỷ lệ tử vong do súng năm ngoái vẫn tồi tệ hơn so với năm 2019 trên toàn quốc, mặc dù đã giảm hơn so với mức đỉnh điểm vào năm 2020 và 2021.
Một báo cáo mới của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) công bố hôm 24/6 cho thấy trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2023, những kẻ xả súng có xu hướng cao hơn 89% so với giai đoạn 5 năm trước đó.
Bạo lực súng đạn đã trở thành cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng tại Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo FBI, số vụ xả súng vào năm 2023 giảm 4% so với năm 2022 và giảm nhẹ ở các số liệu khác, như tổng số thương vong và các sự kiện giết người hàng loạt.
Năm 2023, 105 người đã thiệt mạng trong các vụ xả súng ở nơi công cộng, mức cao nhất trong những năm gần đây. Ngoài ra, 139 người khác bị thương trong các vụ xả súng này.
Số lượng thương vong do xả súng đã giảm nhẹ so với con số 313 người thương vong vào năm 2022, nhưng số tử vong trong năm 2023 cao hơn 5 người so với năm trước đó.
Con số này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số vụ bạo lực súng đạn. Theo dữ liệu của CDC, trung bình các vụ giết người bằng súng đã khiến hơn 53 người chết mỗi ngày ở Mỹ vào năm 2022./.
Nguồn: vietnamplus.vn