Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan vận chuyển hơn 4,5 tỷ USD qua biên giới

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan vận chuyển hơn 4,5 tỷ USD qua biên giới

Ở giai đoạn 2 của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc đã vận chuyển hơn 4,5 tỷ USD qua biên giới.

Ngày 6/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an tống đạt kết luận điều tra vụ án lừa đảo, rửa tiền tại Ngân hàng SCB và tập đoàn Vạn Thịnh Phát.  Đây là giai đoạn hai trong đại án, được tách ra trong quá trình điều tra vụ tham ô của bà Trương Mỹ Lan (người vừa bị TAND TP HCM tuyên án tử hình). 

Ở lần kết luận điều tra này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố Trương Mỹ Lan cùng 33 người khác về ba nhóm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới". Trong đó, bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố cả 3 tội nói trên.

Bà Trương Mỹ Lan. (Ảnh: T.P)

Theo điều tra, Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đồng phạm phát hành 25 gói trái phiếu khống, không có tài sản đảm bảo, hiện mất khả năng thanh toán của 4 pháp nhân gồm: Công ty Bất động sản An Đông, Công ty Đầu tư An Thuận, Công ty Sunny World và Công ty Dịch vụ Thương Mại TP.HCM.  Tổng giá trị 25 gói trái phiếu này là hơn 30.869 tỷ đồng, đến nay còn dư nợ hơn 30.081 tỷ đồng của hơn 35.000 nhà đầu tư.

Ngoài ra, Trương Mỹ Lan còn là chủ mưu trong việc rửa tiền, hơn 445.747 tỷ đồng. Trong số này có hơn 415.000 tỷ đồng từ hành vi tham ô tài sản của Ngân hàng SCB và 30.081 tỷ đồng có được từ hành vi lừa đảo nói trên.  Với hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, bà Lan bị cáo buộc cùng đồng phạm dùng các hợp đồng khống, chuyển ra nước ngoài hơn 1,5 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, có hơn 3 tỷ USD được chuyển về Việt Nam trái pháp luật.

Tổng số tiền được vận chuyển trái phép qua biên giới hơn 4,5 tỷ USD, tương đương hơn 106.730 tỷ đồng.

Theo điều tra, nguồn tiền từ hành vi phạm tội tham ô tài sản của SCB và lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ phát hành trái phiếu, được Trương Mỹ Lan chỉ đạo rút tiền mặt, chuyển nộp vào tài khoản đứng tên tổ chức, cá nhân, chuyển giữa các tài khoản sử dụng thanh toán các khoản chi cho các mục đích: trả gốc, lãi trái phiếu; chi trả nợ các khoản vay tại SCB; chi phí lãi vay, chi phí hoạt động của SCB; chi cho dự án đang triển khai dở dang như Dự án Mũi Đèn Đỏ; Dự án A6, huyện Bình Chánh; chi trả cho khoản vay của các ngân hàng khác; chuyển tiền ra nước ngoài; chuyển khoản thanh toán các khoản chi cá nhân của Trương Mỹ Lan và người chồng Chu Lập Cơ... 

Đối với việc chuyển tiền ra nước ngoài, Trương Mỹ Lan giao cho các nhân sự ở SCB phối hợp với nhân sự ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lập các khoản vay “khống” tại SCB, lấy nguồn tiền để chuyển ra nước ngoài và sử dụng cho các mục đích khác ở trong nước. 

Để chuyển được tiền ra nước ngoài hoặc nhận tiền vay từ nước ngoài chuyển về Việt Nam, Trương Mỹ Lan giao cấp dưới, luật sư và lãnh đạo SCB lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp tư vấn; vay nợ giữa các Công ty tại Việt Nam và Công ty, tổ chức ở nước ngoài. Thông qua các hợp đồng “khống” này, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài.

Trước đó, ngày 11/4, TAND TP. HCM tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mức án tử hình về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Đưa hối lộ và Tham ô tài sản.  Ngoài mức án trên, tòa buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn cho SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17/10/2022 (khởi tố vụ án) tương đương số tiền là 673.849 tỷ đồng.  Ngày 26/4, từ trại tạm giam, bà Trương Mỹ Lan đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Khánh Ngân/doisongphapluat.com