COVID-19 vẫn là thủ phạm gây ra cái chết của 1.700 người trên thế giới mỗi tuần. Đây là thông tin được người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra ngày 11/7.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra cảnh báo về việc giảm tỷ lệ tiêm chủng. Ông nêu rõ dù số người tử vong vẫn tiếp tục tăng, các dữ liệu cho thấy tỷ lệ tiêm vaccine đang giảm ở hai nhóm có nguy cơ cao nhất là nhân viên y tế và người trên 60 tuổi.
“WHO khuyến nghị những người thuộc nhóm có nguy cơ cao nhất nên tiêm vaccine COVID-19 trong vòng 12 tháng kể từ liều cuối cùng”, người đứng đầu WHO nói.
Thống kê của WHO cho thấy, hơn 7 triệu ca tử vong do COVID-19 đã được ghi nhận trên khắp thế giới. Tuy nhiên, con số trên thực tế được cho còn cao hơn nhiều.
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân ở thành phố San Juan, Metro Manila, Philippines. (Ảnh: EPA-EFE)
Ngoài việc gây ra hàng triệu ca tử vong cho con người, đại dịch COVID-19 cũng tàn phá nền kinh tế và làm tê liệt các hệ thống y tế. Hơn 3 năm sau khi phát hiện virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19, tháng 5/2023, WHO đã tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do COVID-19.
Tuy nhiên, WHO vẫn kêu gọi các chính phủ duy trì giám sát và giải trình tự virus, đồng thời đảm bảo tiếp cận các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine đáng tin cậy với giá cả phải chăng.
Trong khi đó, một nghiên cứu được công bố ngày 12/3/2024 cho thấy, đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong hai năm 2020 - 2021. Điều này đánh dấu sự đảo ngược đầu tiên trong thời kỳ tuổi thọ toàn cầu tăng cao kéo dài suốt hàng thập kỷ, theo các nhà nghiên cứu sàng lọc dữ liệu của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) có trụ sở tại Mỹ./.
Nguồn: dangcongsan.vn