Những tỉnh, thành nào có nguy cơ ngập lụt vùng trũng?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Những tỉnh, thành nào có nguy cơ ngập lụt vùng trũng?

Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng tại: Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tính đến 20h ngày 9/9, khu vực các tỉnh Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Sơn Bình 2 (Lai Châu) 172,2 mm; Xín Chải (Điện Biên) 191,8 mm; Trung Lèng Hồ (Lào Cai) 329,2 mm; Tân Phượng1 (Yên Bái) 492,8 mm; Nấm Dẩn 2 (Hà Giang) 476,2 mm; Trung Minh (Tuyên Quang) 235,4 mm; Lương Bằng (Bắc Kạn) 231,8 mm; Yên Đổ (Thái Nguyên) 303,2 mm; Xuân Trường 2 (Cao Bằng) 197,6 mm; Đầm Hà (Quảng Ninh) 168,8 mm...

Từ 23h ngày 9/9 đến 3h ngày 10/9, các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến từ 40-80 mm, có nơi trên 100 mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều địa phương.

Độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1; riêng Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang cấp 2; đặc biệt Yên Bái, Lào Cai cấp 3.

Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tối 9/9, lũ trên sông Thao (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ), sông Lô (Tuyên Quang, Phú Thọ), sông Cầu (Thái Nguyên, Bắc Ninh) và sông Thương (Bắc Giang), sông Thái Bình (Hải Dương), sông Hồng (Hà Nội) đang lên; sông Lục Nam (Bắc Giang) đang xuống chậm.

Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hóa. Độ rủi ro thiên tai do lũ cấp 3.

 Ngập lụt diện rộng tại nhiều nơi ở Hà Giang. Ảnh: TTXV

Lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế-xã hội vùng hạ lưu sông Lô và sông Hồng- Thái Bình. Mực nước lũ hạ lưu sông Hồng- Thái Bình duy trì ở mức cao nhiều ngày có thể làm lở đất ven sông và ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê vùng ven sông đồng bằng sông Hồng- Thái Bình.

Hiện, 8 tỉnh, thành phố có nguy cơ ngập lụt ở các vùng trũng, thấp. Cụ thể tại các quận, huyện: Yên Bái, Trấn Yên, Văn Yên, Văn Trấn, Lục Yên, Yên Bình, Trạm Tấu (Yên Bái); thành phố Bắc Giang, Hiệp Hòa, Việt Yên, Lục Ngạn, Lạng Giang, Lục Nam (Bắc Giang); thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, Phú Lương, Đồng Hỷ, Phú Bình, thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên); thành phố Bắc Ninh, Yên Phong (Bắc Ninh); Tân Sơn, Thanh Sơn, Tam Nông, Yên Lập, Hạ Hòa, Thanh Ba, Cẩm Khê, Lâm Thao (Phú Thọ); Hàm Yên, Chiêm Hóa (Tuyên Quang); Tây Hồ, Long Biên, Hoàn Kiếm, Gia Lâm (Hà Nội).

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết tính đến 22h ngày 9/9, bão và hoàn lưu bão Yagi gây mưa lũ, sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố miền Bắc đã làm 98 người chết, mất tích (58 người chết, 40 người mất tích).

Trong đó, do bão là 12 người; do sạt lở đất và lũ quét 72 người; do lũ cuốn là 6 người; do sập cầu Phong Châu là 8 người.

Bão, lũ còn làm 746 người bị thương, trong đó tỉnh Quảng Ninh 536 người; Hải Phòng 81 người; Hải Dương 5 người; Hà Nội 10 người; Bắc Giang 5 người; Bắc Ninh 52 người; Lạng Sơn 10 người; Lào Cai 14 người; Yên Bái 4 người; Cao Bằng 12 người; Phú Thọ 5 người,...

Ngoài ra, bão lũ còn làm 85 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh và 148.170ha lúa, 25.649ha hoa màu, 11.038ha cây ăn quả bị thiệt hại; 1.577 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 1.107 gia súc, 678.945 gia cầm bị chết.

 Nguồn: Mộc Miên/doisongphapluat.com.vn