Nhiều nước tuyên bố đại dịch COVID-19 đã kết thúc: Câu hỏi còn để ngỏ

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Nhiều nước tuyên bố đại dịch COVID-19 đã kết thúc: Câu hỏi còn để ngỏ

Hàng loạt tuyên bố và động thái từ khắp châu Âu và Bắc Mỹ trong nửa đầu tháng Hai khiến không ít người cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất của làn sóng Omicron đã qua. Tuy nhiên, liệu đây có là sự thật?

Giới chức y tế Thụy Điển tuyên bố đại dịch COVID-19 đã kết thúc tại quốc gia Bắc Âu này, Đan Mạch, Na Uy thông báo dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế còn lại. Anh, Hà Lan cũng có kế hoạch tương tự vào cuối tháng Hai.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, Tiến sỹ Anthony Fauci, cố vấn y tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ, khẳng định giai đoạn đỉnh của đại dịch gần như đã kết thúc tại nước này.

Hàng loạt tuyên bố và động thái từ khắp châu Âu và Bắc Mỹ trong nửa đầu tháng Hai khiến không ít người cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất của làn sóng Omicron đã qua, cho phép các chuyên gia y tế đưa ra những dự báo về khả năng trở lại cuộc sống bình thường.

Giãn cách xã hội, tự cách ly, đeo khẩu trang, xét nghiệm và truy tìm tiếp xúc là các biện pháp cơ bản được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tuy nhiên sau hai năm, khi mức độ miễn dịch cộng đồng và tỷ lệ tiêm chủng cao, nhiều nước đang có kế hoạch dỡ bỏ ngay cả các biện pháp cơ bản này.

Ví dụ tại Anh, vùng England dự kiến sẽ kết thúc mọi biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 vào cuối tháng Hai, gồm việc bỏ quy định tự cách ly sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Bỉ hạ mức cảnh báo phòng chống dịch, Italy và Tây Ban Nha không còn yêu cầu người dân đeo khẩu trang ngoài trời.

Thụy Sĩ đã bỏ quy định làm việc tại nhà và truy vết tiếp xúc, đồng thời dự kiến ngừng sử dụng hộ chiếu vaccine.

Tại Mỹ, các bang lớn, gồm New York và California, bỏ quy định đeo khẩu trang ở không gian công cộng trong nhà.

Giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Trường Vệ sinh dịch tễ và Y học nhiệt đới London (Anh), David Heymann, cho biết: “Không có tiêu chí thực sự nào cho sự kết thúc của đại dịch, nhưng có lẽ có thể cảm thấy điều này.”

Theo ông, những thay đổi về chính sách của các chính phủ là bằng chứng cho thấy các quốc gia đang chuyển từ “cách tiếp cận pháp lý có hiệu lực từ trên xuống” sang “chương trình kiểm soát bệnh dịch” tương tự như chương trình chống bệnh cúm mùa.

Trong khi đó, Giáo sư y tế toàn cầu tại Đại học Washington (Mỹ), Ali Mokdad, cho rằng đại dịch đang bước vào giai đoạn trong đó mọi người tự cân nhắc rủi ro cá nhân thay vì được yêu cầu phải làm gì.

Chuyên gia này đồng ý rằng mọi người đang bình thường hóa cuộc sống, và câu hỏi giờ đây không còn là liệu các quốc gia sẽ dỡ bỏ mọi hạn chế phòng dịch hay không, mà là khi nào?

Một dấu hiệu khác cho thấy sự tự tin đã trở lại, là tỷ lệ đặt vé máy bay cho mùa Hè này đã quay lại mức trước đại dịch sau khi các yêu cầu xét nghiệm đối với du khách được nới lỏng.

Theo hãng điều hành du lịch lớn nhất châu Âu Tui, tính đến ngày 30/1, khoảng 3,5 triệu khách đã đặt vé cho các chuyến bay vào mùa Hè, tương đương 75% mức của năm 2019.

Thực tế là từ cuối tháng Một, số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm. Trong tuần kết thúc ngày 13/2, số ca mắc mới đã giảm 18% so với tuần trước đó. Nếu trung bình tuần trước, mỗi ngày thế giới ghi nhận khoảng 2,3 triệu ca mắc mới thì trong tuần này ở mức 1,5 triệu ca. Số ca mắc COVID-19 tại Mỹ đã giảm 73% so với mức đỉnh của làn sóng Omicron, trong khi tỷ lệ này giảm 60% tại Anh, Tây Ban Nha và Bỉ. Tỷ lệ này cũng giảm ngay tại những quốc gia ghi nhận số ca mắc mới cao hoặc kéo dài như Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Hà Lan.

Quan trọng hơn, dù số ca mắc COVID-19 vào mùa Đông năm nay vượt ngưỡng các kỷ lục trước đó, chưa có dấu hiệu gia tăng các ca bệnh nặng.

Tại Đan Mạch và Na Uy, nơi tỷ lệ ca mắc tăng lần lượt 12 và 20 lần so với mức đỉnh dịch trước khi Omicron xuất hiện, số bệnh nhân COVID-19 tại các khoa điều trị tích cực chỉ bằng 23% mức đỉnh vào mùa Đông năm ngoái.

Giới khoa học chỉ rõ tỷ lệ người được tiêm phòng ngày càng tăng là yếu tố khiến tỷ lệ bệnh nhân trở nặng giảm.

Lý giải cho việc Đan Mạch đầu tháng Hai tuyên bố sẽ ngừng điều trị COVID-19 như một căn bệnh “nghiêm trọng về mặt xã hội,” nghĩa là hủy bỏ luật về tình trạng y tế công cộng khẩn cấp và mọi biện pháp hạn chế phòng dịch, trừ yêu cầu xét nghiệm đối với du khách nước ngoài, chuyên gia trưởng của nhóm lập mô hình dịch tại Cơ quan y tế công cộng Đan Mạch, Camilla Holten Moller, cho biết: “Chúng tôi không thấy mức độ bệnh nặng như các làn sóng dịch trước đó và khoa điều trị tích cực tại các bệnh viện không bị quá tải bệnh nhân Omicron."

Theo bà, khi mối đe dọa của đại dịch thực sự thấp, chính phủ nhận ra rằng điều quan trọng là cố gắng khôi phục trở lại trạng thái bình thường bằng cách nới lỏng các quy định phòng dịch, song thừa nhận Đan Mạch sẽ “mất một thời gian” trước khi hoàn toàn trở lại bình thường.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn giữ quan điểm việc dỡ bỏ hay nới lỏng các hạn chế không có nghĩa là đại dịch đã chấm dứt.

Giáo sư y khoa tại Đại học Stanford (Mỹ), Kevin Schulman, nhận định việc loại bỏ các hạn chế nên đi kèm với tuyên bố “thế giới vẫn chưa thoát khỏi đại dịch.”

Ông cho rằng quan điểm "đại dịch đã được giải quyết" không phải là thông điệp phù hợp, nhấn mạnh rằng thế giới đã hy sinh rất nhiều, và giờ đây cần bảo vệ những thành quả đã đạt được.

Bất chấp những thay đổi về quy định phòng dịch của nhiều nước, một loạt chuyên gia nhất trí rằng nguy cơ xuất hiện các biến thể mới khiến các chính phủ không bao giờ có thể kết luận sẽ không còn phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới.

Giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh (Scotland), Mark Woolhouse, đánh giá: “Câu hỏi liệu chúng ta có phải tái áp dụng các hạn chế hay không sẽ được đặt ra, bởi tôi chắc chắn rằng sẽ có những biến thể khác."

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh, ngày 19/1/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đồng quan điểm trên, Giáo sư dịch tễ học di truyền tại Đại học King’s College London (Anh) Tim Spector nêu rõ: "Đây có thể là lần cuối cùng chúng ta đưa ra các quy định pháp lý, nhưng điều này không có nghĩa là đại dịch đã kết thúc.”

Giáo sư Tim Spector lưu ý: “Virus luôn đi trước chúng ta một bước, và sẽ thật dại dột nếu bỏ qua điều đó."

Ngay tại những nước đã dỡ bỏ các hạn chế như Thụy Điển, giới chuyên gia cũng khuyến cáo nên thận trọng.

Chuyên gia Fredrik Elgh, giáo sư về virus tại Đại học Umea, khẳng định đại dịch vẫn gây sức ép lớn đối với xã hội, vì vậy, ông kêu gọi cần "kiên nhẫn" và duy trì chiến lược xét nghiệm.

Phát biểu trong chuyến công du Nam Phi ngày 11/2, bà Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm khoa học của WHO cũng nhận định đại dịch COVID-19 hoành hành thế giới hơn 2 năm qua vẫn chưa thể kết thúc do có thể sẽ có thêm biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh.

Chuyên gia Swaminathan nhấn mạnh: "Chúng ta chứng kiến virus tiến hóa, đột biến... chúng ta biết sẽ có thêm biến thể và thêm biến thể gây quan ngại, chúng ta chưa ở thời điểm đại dịch kết thúc."

Nguy cơ xuất hiện các biến thể mới đồng nghĩa với việc thời điểm khi nào đại dịch kết thúc vẫn là câu hỏi còn để ngỏ, điều đó buộc tất cả các nước phải có cách tiếp cận thận trọng khi dỡ bỏ, nới lỏng các quy định phòng chống dịch hay mở cửa trở lại./.

Nguồn: Minh Hợp/vietnamplus.vn