Lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung do căng thẳng Nga - Ukraine khiến giá hàng hóa cơ bản tăng đột biến giúp nhiều nhóm cổ phiếu "nổi sóng".
Chứng khoán giằng co trong biên độ hẹp hai tuần gần đây khi nhà đầu tư thận trọng trước những diễn biến leo thang tại cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, sắc đỏ không phải màu chủ đạo của toàn bộ thị trường. Lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Nga đẩy giá hàng hóa cơ bản tăng đột biến. Đà tăng của những mặt hàng này giúp nhiều nhóm cổ phiếu "nổi sóng", bấp chấp sự thận trọng của nhà đầu tư.
Một trong nhóm thu hút sự quan tâm lớn nhất gần đây là cổ phiếu dầu khí. Sáng nay, khi VN-Index mất mốc 1.500 điểm, sắc đỏ bao trùm, nhóm này vẫn tăng vọt khi giá dầu thô lên mức cao nhất 14 năm trong phiên cuối tuần trước. PVC có thêm 10% tính tới cuối phiên sáng 7/3, PVS tăng gần 7%, PVD, OIL, BSR đều vượt xa tham chiếu. Trong hai tháng gần nhất, các mã này ghi nhận biên độ tăng hai chữ số trong khi VN-Index gần như không đổi.
Theo SSI Research, dù có sự khác nhau về các yếu tố cơ bản, giá cổ phiếu ngành dầu khí đều có tương quan rất chặt chẽ với giá dầu. Hệ số tương quan của những mã này tới giá dầu đạt 0,81 đến 0,95, theo nhóm phân tích. Tức nếu giá dầu tăng 10%, các mã cổ phiếu dầu khí có thể tăng 8,1-9,5%.
Biến động giá dầu cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này, yếu tố tác động đến kỳ vọng của nhà đầu tư.
Trong đó, GAS, PLX, OIL, cùng với BSR sẽ chịu tác động trực tiếp liên quan tới doanh thu, hàng tồn kho và biên lợi nhuận hoạt động. Với PVD và PVS, giá dầu không ảnh hưởng ngay đến lợi nhuận ròng trong ngắn hạn do các công ty này dựa vào các dự án mang tính chất dài hạn hơn. Mặc dù vậy, SSI Research cho rằng ước tính mảng khoan của PVD hồi phục từ quý II và ghi nhận lợi nhuận từ 2022 nhờ hiệu suất sử dụng và giá thuê tăng.
Nhà đầu tư giao dịch trên sàn Công ty chứng khoán Yuanta, quận 1, TP HCM vào tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Thép cũng là một nhóm đáng chú ý. Riêng một tháng gần nhất, trong khi VN-Index tăng chưa tới 1%, giá các cổ phiếu chủ chốt ngành thép đều tăng hai chữ số. NKG đứng đầu về biên độ với mức tăng hơn 60% chỉ trong một tháng, HSG cũng tăng gần 36%, HPG và POM tăng 17-21%.
Theo Công ty chứng khoán VNDirect, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng đã gây gián đoạn không nhỏ đến chuỗi cung ứng mặt hàng thép.
Hiệp hội thép thế giới (WSA) cho biết, Nga và Ukraine sản xuất 97,4 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 57 triệu tấn thép trong năm 2021. Ngay sau khi xung đột có dấu hiệu leo tháng từ 24/2, một số nhà sản xuất thép hàng đầu tại Ukraine (bao gồm Metinvest và ArcelorMittal) đã có kế hoạch cắt giảm sản lượng xuống mức tối thiểu do hoạt động vận chuyển đường sắt và cảng bị đình trệ. Trong khi đó, các mặt hàng xuất khẩu của Nga đứng trước nguy cơ bị nhiều quốc gia cấm vận.
"Chúng tôi cho rằng, các nhà xuất khẩu thép hàng đầu của Việt Nam có cơ hội gia tăng sản lượng trong thời gian tới", báo cáo của VNDirect viết và đánh giá, những doanh nghiệp hàng đầu như HSG và NKG có thể được hưởng lợi từ diễn biến này khi EU là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ ba của Việt Nam.
So sánh biên độ tăng giá các cổ phiếu ngành thép như NKG (xanh dương), HSG (vàng), POM (tím), HPG(xanh da trời) và VN-Index (cam) trong một tháng gần nhất. Ảnh: Trading View
Áp lực về nguồn cung cũng là lý do chính khiến cổ phiếu than và phân bón nổi sóng. Cổ phiếu ngành than chủ yếu niêm yết trên sàn HNX, là nhóm ngành ít được chú ý trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, trong nửa năm gần đây, các mã ngành than trở thành điểm sáng. NBC, TC6, TDN, HLC, TVD giao dịch với thị giá và thanh khoản tăng vọt. Chỉ riêng tuần trước, các mã này tăng trần 3/5 phiên giao dịch. Diễn biến đồng thời với đà tăng của giá than thế giới.
Nga là quốc gia sản xuất than lớn thứ 6 trên thế giới. Theo số liệu tháng 2, quốc gia này cung cấp 3,3 triệu tấn than qua đường biển cho châu Âu. Diễn biến leo thang tại Ukraine được dự báo ảnh hưởng lớn đến nhu cầu than trên thị trường. Nhu cầu còn tăng cao hơn khi các quốc gia này tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Moskva.
Tình trạng tương tự với giá các mặt hàng và cổ phiếu phân bón. Cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau tăng phiên thứ 6 liên tiếp với hai phiên gần nhất chốt ở mức giá trần, cổ phiếu DPM cũng tương tự.
Theo Bloomberg, giá phân bón trên thị trường thế giới đang tăng vọt do lo ngại xung đột Nga – Ukraine sẽ khiến nguồn cung toàn cầu mặt hàng này giảm mạnh. Năm 2021, Nga đang là nước sản xuất lớn về urê và kali - các thành phần của phân bón. Diễn biến xung đột leo thang, khả năng áp lệnh trừng phạt của quốc tế, cùng với lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung khí đốt - đầu vào sản xuất phân bón - càng khiến thị trường căng thẳng./.
Nguồn: Minh Sơn/vnexpress.net