



Chỉ còn hơn 30 ngày nữa, nhà ga hành khách quốc nội T3 - sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) sẽ chính thức khai trương đưa vào hoạt động.
Không chỉ đảm trách nhiệm vụ giảm tải cho sân bay hiện hữu, nhà ga T3 với những công nghệ hiện đại còn kỳ vọng mở ra giai đoạn phát triển mới cho ngành hàng không và du lịch.
Sẵn sàng cho lễ 30.4 "bùng nổ"
Theo thông tin mới nhất từ Cục Hàng không, dịp cao điểm lễ 30.4 - 1.5 sắp tới, trên các đường bay nội địa, các hãng hàng không VN dự kiến thực hiện 7.536 chuyến bay, trung bình 685 chuyến/ngày. Đáng chú ý, được dự báo là "tâm điểm" của đại lễ năm nay, chỉ tính riêng các đường bay đi, đến TP.HCM đã được các hãng hàng không lên kế hoạch thực hiện hơn 5.000 chuyến với trung bình 462 chuyến/ngày, cung ứng 1,03 triệu ghế.
Dự kiến khánh thành đúng dịp cao điểm lễ 30.4 - 1.5, nhà ga T3 hiện đại cùng hệ thống đường dẫn, cầu vượt đồng bộ sẽ phục vụ gần 80% số chuyến bay nội địa đến, đi từ sân bay Tân Sơn Nhất - tương ứng tỷ lệ thị phần khai thác các chuyến bay nội địa của 2 hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet Air theo kế hoạch từ đơn vị khai thác cảng. Đa số người dân di chuyển qua Tân Sơn Nhất dịp lễ này sẽ được sử dụng hạ tầng nhà ga mới.
Sau hơn 2 năm thi công, nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất chuẩn bị bước vào giai đoạn vận hành thử nghiệm để kịp khánh thành dịp 30.4 - ẢNH: T.N
ẢNH: T.N
Bên ngoài mọi người háo hức chờ đợi, bên trong hàng rào chắn xây dựng nhà ga hành khách quốc nội T3 - Tân Sơn Nhất cũng nóng như "chảo lửa", không chỉ vì TP.HCM đang bước vào mùa khô nắng nóng nhất năm, mà còn vì tiến độ dự án được được đẩy chạy căng nhất có thể. Trên công trường, khoảng 3.500 công nhân, kỹ sư thi công ngày đêm để kịp đưa nhà ga vào khai thác dịp 30.4 tới.
Đại diện Tổng công ty Cảng hàng không (ACV - chủ đầu tư) cho biết đến nay tổng khối lượng thi công dự án đã đạt khoảng 96%, vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch. Các hạng mục chính cơ bản đã hoàn thành. Hình hài nhà ga, nhà xe cao tầng, sân đỗ máy bay và hệ thống cầu cạn trước nhà ga… đều đã nên hình nên dáng. Khu phức hợp thương mại - văn phòng được thiết kế theo kiểu hình tròn xoắn ốc cũng đã hoàn thành cơ bản các hạng mục chính.
Theo đề án được duyệt, hạng mục nhà ga hành khách có quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500 m2. Nhà ga được bố trí 90 quầy thủ tục hàng không truyền thống, 20 quầy thả hành lý tự động và 42 ki ốt check-in, 27 cửa ra máy bay (trong đó 13 cửa bằng ống lồng và 14 cửa bằng xe buýt), có 6 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách. Đặc biệt, nhà ga T3 được thiết kế 8 cửa kiểm soát an ninh và 1 khu riêng biệt phục vụ khách VIP, hạng thương gia và khách ưu tiên.
Bên cạnh đó, nhà ga mới còn có nhà xe là tổ hợp gồm 2 tầng hầm, 4 tầng nổi và khối nhà để xe máy 3 tầng nổi được kết nối với nhau bằng hành lang cầu, tổng diện tích sàn 130.000 m2. Khi lượng lớn hành khách di chuyển sang nhà ga mới, các tài xế sẽ được đón khách thuận tiện hơn, đồng thời phương án tổ chức đưa đón khách tại nhà ga T1 hiện hữu cũng sẽ được san sẻ, tính toán lại cho phù hợp.
Phối cảnh Khu phức hợp thương mại - văn phòng được coi là điểm nhấn nổi bật của nhà ga T3 - ẢNH: TƯ LIỆU
"Nhà ga T3 chắc chắn sẽ giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện hữu. Cảng đã lên kế hoạch kiểm tra hoạt động ổn định các hệ thống trang thiết bị, quy trình phục vụ hành khách, công tác huấn luyện đào tạo, truyền thông tới hành khách và đã xây dựng kế hoạch dự kiến khai thác nhà ga mới, sẵn sàng cho ngày khai trương 30.4 và phục vụ hành khách sau đó", đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thông tin.
Dấu mốc mới thúc đẩy kinh tế TP.HCM
Không chỉ hạ tầng hoàn thiện, nhà ga T3 còn được trợ lực rất lớn nhờ ứng dụng công nghệ sinh trắc học lần đầu tiên tại VN, cho phép hành khách đi máy bay bằng các phương pháp xác thực hiện đại, rút ngắn thời gian làm thủ tục và nâng cao trải nghiệm hành khách. Các thiết bị làm thủ tục sinh trắc học tại nhà ga này sẽ giúp tối ưu hóa quy trình từ check-in đến kiểm tra an ninh, đồng thời tạo ra một môi trường hiện đại, thân thiện với hành khách. Công nghệ này sẽ được áp dụng ngay từ ngày khai trương thử nghiệm, giúp hành khách trải nghiệm quá trình làm thủ tục nhanh chóng và chính xác hơn, từ việc nhận diện khuôn mặt đến việc xác thực danh tính qua vân tay hoặc mống mắt. Cùng với 20 quầy bag-drop thả hành lý tự động và 42 ki ốt check-in, một quy trình tự động hóa từ làm thủ tục check-in đến ký gửi hành lý, kiểm tra an ninh… sẽ được triển khai đồng bộ.
Nhà ga T3 không chỉ mang ý nghĩa quan trọng trong việc giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất mà còn là một trong 50 công trình trọng điểm được TP.HCM lựa chọn để chào mừng sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Lãnh đạo TP đã nhiều lần khẳng định, dự án thể hiện quyết tâm của TP trong việc phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực vận tải và tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội. Khi đi vào hoạt động, nhà ga T3 không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không mà còn góp phần đưa Tân Sơn Nhất từng bước trở thành một trung tâm hàng không quan trọng của khu vực Đông Nam Á. Việc nâng cấp hạ tầng sân bay nhộn nhịp nhất cả nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các ngành dịch vụ như du lịch, khách sạn, vận tải và thương mại, đóng góp vào bước phát triển mới của kinh tế TP.HCM cũng như ngành hàng không VN nói chung.
Tổ chức xe buýt chất lượng cao đưa đón hành khách
Sở GTCC TP.HCM đã phối hợp Công ty CP khoa học công nghệ Bách Khoa TP.HCM nghiên cứu, xây dựng mạng lưới xe buýt chất lượng cao hiện đại, tiện nghi, đáp ứng nhu cầu di chuyển thuận tiện cho hành khách đến và đi từ sân bay. Sở GTCC đề nghị Cảng Tân Sơn Nhất xem xét ưu tiên bố trí 5 - 7 vị trí trong khu vực nhà ga T3 trước thềm ga đến làm nơi cho xe buýt đón trả khách. Đồng thời, kiến nghị Bộ Xây dựng thống nhất cho Sở tổ chức kết nối khoảng 20 tuyến buýt kết nối khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Người dân di chuyển tới nhà ga T3 thế nào ?
Nhà ga T3 tọa lạc tại P.12 (Q.Tân Bình), với cổng vào chính từ đường 18E và C2. Các tuyến đường kết nối chính:
- Từ Bình Dương, Đồng Nai, TP.Thủ Đức: Hành khách có thể di chuyển theo lộ trình Phạm Văn Đồng - Bạch Đằng - Trường Sơn - đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa để đến nhà ga.
- Từ trung tâm TP.HCM: Tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi - Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa là phương án khả thi và thuận tiện.
- Từ phía tây và tây bắc TP.HCM (khu vực Q.Bình Tân, H.Bình Chánh, H.Hóc Môn, H.Củ Chi): Hành khách có thể tiếp cận nhà ga qua đường Cộng Hòa hoặc Hoàng Hoa Thám - Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa./.
Nguồn: Hà Mai/thanhnien.vn