15 năm kể từ khi được quy hoạch, đường vành đai 2 có tổng chiều dài hơn 64km đến nay vẫn chưa thể khép kín do vướng nguồn vốn đầu tư. Đây là thách thức lớn nhất để khép kín vành đai 2 của thành phố, dù tuyến này chỉ còn khoảng 14km chưa được đầu tư xây dựng.
Đến nay, vành đai 2 vẫn còn khoảng 14km (chia làm 4 đoạn) chưa được khép kín, trong đó, đoạn 1, 2, 4 (12km) chưa được đầu tư. Riêng đoạn 3 dài 2,7km từ nút giao Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng do nhà đầu tư Văn Phú - Bắc Ái thực hiện được triển khai từ năm 2017 vẫn đang dang dở. Đoạn này được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao) với tổng vốn đầu tư 2.700 tỉ đồng nhưng phải dừng thi công từ tháng 3.2020 do gặp một số vướng mắc.
Nhu cầu cấp thiết cần sớm khép kín vành đai 2
Dự án vành đai 2 có ý nghĩa và vai trò quan trọng đối với giao thông tại TPHCM. Khi vành đai 2 chưa khép kín, toàn bộ lưu lượng xe quá cảnh qua thành phố (TP) hoặc đi đến cảng Cát Lái, các cảng biển... phải đi xuyên tâm TP hay đi dọc trục Mai Chí Thọ, như vậy sẽ gây ùn tắc giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông), TP đã xây dựng được 50km vành đai 2, còn 12km chưa hoàn thành. Trong đó, đoạn 1, 2, 4 chưa đầu tư và đoạn 3 với 2,7km đã đầu tư xây dựng phải tạm dừng từ năm 2020 do gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, hợp đồng BT, thanh toán đất đối ứng... đang được TP tập trung tháo gỡ để tiếp tục hoàn thành.
Theo đó, đoạn 1 từ khu Công nghệ cao đến nút giao Bình Thái - Xa lộ Hà Nội khoảng 3,6km. Đoạn 2 từ nút giao Bình Thái - Xa lộ Hà Nội đến Phạm Văn Đồng dài 2,6km. Về phía Tây TPHCM - đoạn 4 chưa khép kín dài khoảng 5,3km đi từ khu Công nghiệp Tân Tạo đến đường Nguyễn Văn Linh.
Đường Vành đai 2 được quy hoạch cách đây 15 năm, tổng chiều dài hơn 64km, đến nay còn 14km chưa khép kín. Ảnh: Minh Quân
Khép kín vành đai 2 bằng vốn đầu tư công
Theo ông Lương Minh Phúc, suốt 10 năm qua TP luôn đặt mục tiêu khép kín đường vành đai 2 nhưng thời gian qua TP mất thời gian chọn lựa giữa các mô hình đầu tư.
Trước đây có giai đoạn thực hiện theo hình thức BT, nhưng sau đó, trong quá trình Luật Đầu tư mới thì hình thức này không còn phù hợp. Đối với 3 đoạn 1, 2, 4 TP đã quyết định chuyển sang sử dụng vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ khép kín đường vành đai 2. Hiện TP đã giao vốn chuẩn bị đầu tư lập dự án tiền khả thi cho 3 đoạn này.
Theo quy định, Sở GTVT TPHCM là đơn vị chủ trì phối hợp với Ban Giao thông để thành lập dự án tiền khả thi. Sau khi duyệt dự án tiền khả thi sẽ tiến hành lập dự án khả thi, thiết kế dự toán, bản vẽ thi công và bắt đầu thi công.
Cũng theo ông Phúc, đoạn 1 có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.800 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm đa số 6.500 tỉ đồng; Đoạn 2 có tổng mức đầu tư khoảng 8.500 tỉ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng là 5.500 tỉ đồng và đoạn 4 có tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng, giải phóng mặt bằng chiếm 6.600 tỉ đồng.
“Để khép kín 3 đoạn này cần khoảng 28.000 tỉ đồng. Trong bố trí nguồn vốn trung hạn 2021 - 2025, TP vẫn thiếu vốn. Vừa qua TP có xin bổ sung vốn trung hạn khoảng 119.000 tỉ đồng có thể vào cuối năm nay Chính phủ sẽ xem xét. Nếu được bố trí vốn trung hạn, TP có thể sẽ sử dụng nguồn này để cân đối, khép kín cho vành đai 2. Song song đó, theo Nghị quyết HĐND, phí cảng biển sẽ được dùng để đầu tư các hệ thống giao thông phục vụ cho các khu cảng biển, chúng tôi cũng đang kiến nghị bố trí nguồn vốn từ nguồn này cho đoạn 1, đoạn 2. Việc sử dụng nguồn vốn từ thu phí cảng biển là giải pháp cũng rất phù hợp và khả thi” - Ông Phúc thông tin.
Ông Phúc cũng thông tin thêm, trong quy hoạch thiết kế vành đai 2, mặt cắt hoàn chỉnh từ 60 - 67m và trong giai đoạn đầu tư lần này TP sẽ phân kỳ thực hiện. Giai đoạn 1, mỗi bên 3 làn xe và giải phóng mặt bằng một lần toàn mặt cắt ngang để đảm bảo nhu cầu khai thác giai đoạn 1 cũng như giữ đất cho giai đoạn 2.
Dự kiến tiến độ khép kín vành đai 2 TPHCM:
Từ nay đến cuối năm 2022, hoàn tất giai đoạn tiền khả thi và trình chủ trương đầu tư dự án.
Năm 2023, tập trung công tác duyệt dự án khả thi, chuẩn bị công tác khảo sát mặt bằng.
Đến cuối năm 2023, dự kiến duyệt dự án khả thi và bắt đầu khởi động công tác giải phóng mặt bằng.
Giai đoạn 2024 - 2025, bắt đầu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, tìm cơ chế triển khai song song công tác giải phóng mặt bằng để có thể cuối năm 2024 khởi công những gói thầu khép kín vành đai 2.
Dự kiến sẽ thi công và hoàn thành trong năm 2026./.
Nguồn: Phương Ngân/laodong.vn