'Người rừng' Singapore giấu vợ con về cuộc sống 30 năm cô độc

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
'Người rừng' Singapore giấu vợ con về cuộc sống 30 năm cô độc

Oh Go Seng luôn nói với vợ con ở Indonesia rằng ông đang ổn, dù dựng lều sống một mình trong khu rừng Singapore hơn 30 năm qua.

"Tôi rất sốc và đã bật khóc khi biết chuyện. Trong những cuộc điện thoại trước đó, bố tôi luôn nói rằng đang sống ổn định", Seng Li, con gái của ông Oh, tuần trước cho hay.

Seng Li và người mẹ 50 tuổi, Madam Tacih, hiện sống ở Indonesia. Họ "thực sự không biết gì" về cuộc sống của chồng, cha mình cho đến khi đọc được thông tin trên truyền thông rằng ông Oh, 79 tuổi, đã sống trong rừng Sungei Tengah hơn 30 năm. Ông ngủ trong căn lều tạm bợ và trồng rau để kiếm sống qua ngày.

Vào Giáng sinh năm ngoái, ông Oh bị giới chức Singapore phát hiện bán rau quả không giấy phép, do đại dịch Covid-19 khiến ông mất công việc bán hoa ở chợ.

Oh tin rằng một khách hàng bất mãn đã tố giác ông do bất đồng về khoản tiền hàng 0,74 USD. Vivian Pan, một nhân viên xã hội, phát hiện Oh bị tịch thu hàng hóa và cảm thấy bức xúc, sau đó quay video và đăng lên mạng xã hội. Hình ảnh nhanh chóng lan truyền và thu hút sự chú ý của nghị viên địa phương Liang Eng Hwa.

Nghị viên này phát hiện ra rằng câu chuyện của Oh còn ly kỳ hơn, khi ông đã sống cô độc trong rừng 30 năm qua.

Ông Oh Go Seng bên túp lều trong rừng (trái) và ảnh chụp ông cùng vợ con nhiều năm trước. Ảnh: Straits Times.

Oh Go Seng sinh ra và lớn lên ở làng Sungei Tengah của Singapore. Trong thập niên 1980, làng của ông bị giải tỏa để lấy đất xây dựng nhà chọc trời. Phần lớn cư dân được chính phủ Singapore di dời đến khu tái định cư, nhưng Oh Go Seng không thể tìm được nơi ở cho mình.

Ông được mời đến ở cùng gia đình em trai, nhưng sớm rời đi vì không muốn làm phiền họ. Oh trở về khu rừng gần ngôi nhà cũ và bắt đầu sống trong căn lều tạm bợ làm từ các mảnh gỗ, tre và phông bạt. Ông nấu nướng trên đống lửa trước nhà, trong khi đồ đạc dồn đống giữa túp lều.

Seng Li cho biết cô mới 17 tuổi và không phải sinh viên y khoa như cha cô nói với báo chí. Cô đang học trung học và cha cô không thực sự biết "trung học" là gì.

Bố cô là người Singapore, còn mẹ là người Indonesia. Mẹ cô từng làm giúp việc ở Singapore "nhiều thập kỷ trước", nhưng hai người gặp nhau và kết hôn ở Batam, Indonesia.

Họ đã sống xa nhau suốt những năm qua vì ông Oh không đủ khả năng đưa mẹ con họ về Singapore định cư. Ông gửi cho họ khoảng 500 USD mỗi tháng, trích từ khoản tiết kiệm tiền lương làm vườn trước đó của ông.

Seng Li là con một, nhưng mẹ cô đã nhận nuôi một cậu bé 7 tuổi, thực chất là cháu gọi bà bằng bác ruột. Họ sống trong một ngôi nhà nhỏ có hai phòng.

Trước đại dịch, mỗi tháng hai lần, ông Oh thường đến thăm mẹ con cô vào dịp cuối tuần. Tuy nhiên, Seng Li đã không được gặp cha suốt hai năm qua, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Hiện họ duy trì liên lạc bằng các cuộc điện thoại vào 19h30 hàng ngày.

Seng Li chưa bao giờ đến Singapore, nhưng cô hy vọng sẽ sớm thực hiện được dự định này. "Tôi muốn đến thăm bố sớm, nhưng mẹ con tôi không biết liệu đi Singapore có ổn không giữa thời dịch bệnh thế này", Seng Li nói, thêm rằng cô chưa có hộ chiếu và hộ chiếu của mẹ đã hết hạn.

"Chúng tôi muốn giúp ông Oh gặp gia đình ở Batam và đang kiểm tra xem ông ấy có đáp ứng yêu cầu về điều kiện tiêm chủng mà Indonesia mới ban hành hay không", nghị viên Liang cho hay.

Ông Oh được chuyển đến nhà mới vào ngày đầu năm mới Nhâm Dần với sự hỗ trợ của nghị viên Liang. Khi truyền thông Singapore đến thăm căn nhà mới hôm 11/2, ông Oh nói rằng ông đã quen nơi ở mới, đồng thời phàn nàn nước từ vòi "quá lạnh" so với nước ao trong rừng.

Oh Go Seng trong căn hộ mới đầu tháng này. Ảnh: BBC.

Nhiều nhà hảo tâm đã quyên góp để giúp ông sắm bình nước nóng, tủ lạnh và TV. Rất nhiều người xúc động trước câu chuyện của ông và đã đóng góp để ông có cuộc sống tốt hơn. Họ còn tặng ông những vật dụng cần thiết như giường, chăn gối, bàn, bếp từ, nồi cơm điện và một số đồ lặt vặt.

Ông Oh vẫn duy trì một số thói quen như khi còn ở trong rừng, như đi ngủ lúc 20h và thức dậy lúc 3h, bữa ăn vẫn là cháo và rau.

Ông thi thoảng đến thăm vườn rau trong rừng để đảm bảo ruộng ớt và các loại rau xanh khác đang phát triển tốt, đảm bảo cung cấp thực phẩm cho bản thân. Ngày cuối tuần, ông ra chợ mua một con cá thu và chiên lên, ăn dần trong 5 ngày.

"Mong ước lớn nhất của tôi bây giờ là ngày nào đó gia đình có thể sống cùng tôi ở Singapore", ông cho hay. Nhưng hiện tại, ông chỉ hy vọng có thể sớm đến thăm họ ở Batam./.

Nguồn: Huyền Lê (Theo Straits Times)/vnexpress.net