Ngày xửa ngày xưa 'đại chiến' mùa hè

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Ngày xửa ngày xưa 'đại chiến' mùa hè

Sau 2 năm tạm gián đoạn vì dịch bệnh, một trong những chương trình hè được chờ đợi của năm nay Ngày xửa ngày xưa 33 đã trình làng báo giới với vở Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá.

Ngày xửa ngày xưa năm nay có thời lượng ngắn hơn so với mọi năm, chỉ khoảng 2 tiếng, nhưng vở gây cảm tình với một câu chuyện dung dị, giàu cảm xúc.

Câu chuyện cảm xúc

Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá (tác giả: Quang Thảo, đạo diễn: Đình Toàn) là chuyến phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad (Đình Toàn đóng) và thủy thủ đoàn. 

Họ nhận được lời mời đến vịnh Tiên Cá để tham gia buổi trao truyền thủy ngọc quyền năng cho công chúa Mê Ly (NSƯT Mỹ Duyên). Tiên cá đen Mê La (NSƯT Thành Lộc) và đồng bọn xuất hiện đòi thủy ngọc quyền năng, đòi làm bá chủ đại dương. 

Đòi không được, Mê La sử dụng tà thuật phá tan buổi lễ và bắt nhốt cả dòng họ tiên cá trắng vào ngục. Thuyền trưởng Sinbad và thủy thủ đoàn cùng lần theo dấu vết của Mê La và một hành trình gian khó, thậm chí nguy hiểm cả tính mạng đã diễn ra để cứu lấy điều thiện, cứu lấy đại dương xanh...

Số lượng nhân vật lên đến khoảng 20, tập trung các nghệ sĩ đã được các khán giả nhí yêu thích bao nhiêu năm qua như Thành Lộc, Bạch Long, Hữu Châu, Hoàng Trinh, Mỹ Duyên, Hương Giang, Đình Toàn, Lê Khánh, Tuấn Khôi, Tuấn Khải, Quốc Trung... 

Kết hợp với đội múa rối Nụ Cười là khoảng 60 diễn viên. Trang phục hết sức bắt mắt với hình ảnh đẹp của các tiên cá trắng, và tiên cá đen dù rất... ghê gớm nhưng cũng rất kỳ công với những tạo hình ấn tượng. Cảnh trí, đạo cụ, âm nhạc, khói, bong bóng xà phòng... hỗ trợ đã làm cảnh đại dương hết sức lung linh.

Câu chuyện tương đối nhẹ nhàng nhưng được lồng ghép vào đó thật khéo, dễ thương những bài học dành cho các bạn nhỏ. Đó là chúng ta không nên kỳ thị, tẩy chay vẻ ngoài xấu xí của ai đó; đừng để sự ghen ghét, đố kỵ lấn át khiến bạn bán linh hồn cho quỷ dữ; đoàn kết là sức mạnh chiến thắng cái ác và thông điệp cứu lấy, bảo vệ môi trường luôn được lặp đi lặp lại...

Đặc biệt, rất thời sự là câu chuyện cha mẹ tạo áp lực cho con cái. Vì bị tẩy chay bởi vẻ ngoài xấu xí, không chịu học hành nên tiên cá Mê Sảng (Hương Giang đóng) đã xúi giục con của mình là Mê La bất chấp mọi thủ đoạn thống trị đại dương để mọi người kính nể.

Trong cơn say quyền lực, muốn con phải thực hiện bằng được khao khát của mình, Mê Sảng nào ngờ đã đẩy con vào vực thẳm. 

Có lẽ không một phụ huynh nào muốn làm biến dạng cuộc đời của con, chỉ là có lúc chúng ta thiếu tỉnh táo, không chia sẻ được tâm tư tình cảm của chúng và hậu quả thì thật khôn lường... Và câu chuyện mẹ con Mê La cứ thế như một lời nhắc nhở để phụ huynh suy ngẫm.

Cảnh thuyền trưởng Sinbad hy sinh để cứu các nàng tiên cá khỏi sự thống trị của phù thủy tảo độc - Ảnh: T.T.D.

Gấp rút để hội ngộ khán giả nhí

Năm ngoái, sân khấu Idecaf đã lên kế hoạch làm chương trình Ngày xửa ngày xưa với kịch bản Thuyền trưởng Sinh Bá và Nàng tiên cá đen sì do Vũ Minh làm đạo diễn. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng lên và vở phải xếp lại. Đầu năm nay đạo diễn Vũ Minh đột ngột qua đời nên kế hoạch phải gấp rút thay đổi.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc sân khấu, cho biết lần làm vở này đạo diễn Đình Toàn phải gánh vai trò rất nặng nề. Nếu như những lần trước phải mất ít nhất 3 tháng để chuẩn bị thì lần này anh chỉ có được khoảng 2 tháng, trên tinh thần là tìm cách sử dụng lại một số trang phục, đạo cụ đã chuẩn bị được một phần từ năm ngoái. 

"Rất may là Đình Toàn thông minh và năng động, lại quá quen với công việc này nhiều năm nay nên chủ động và làm rất tốt" - ông Tuấn nói. Các bộ phận may phục trang cũng phải thức đêm để ráo riết may trang phục bổ sung cho kịp.

Chính vì tiến độ đó, nên lần đầu tiên tác giả Quang Thảo cũng viết kịch bản Ngày xửa ngày xưa nhanh kỷ lục, chỉ trong 1 tuần. 

Anh tâm sự: "Tôi ý thức được rằng phải có kịch bản, nhà sản xuất, đạo diễn mới từ đó lên kế hoạch, tính toán mọi thứ được. Đó là một áp lực rất lớn với tôi. Nên trong 1 tuần tôi gần như thức trắng, cứ vùi đầu viết...". Tuy nhiên, Thảo cho rằng thời gian viết ngắn không đồng nghĩa với ẩu mà đó chính là động lực cho anh.

Anh không hề thấy mệt và cảm nhận được hạnh phúc của việc làm nghề. Trải qua một mùa dịch bệnh dai dẳng, với Quang Thảo có thể nói đây là vở sân khấu đầu tiên được đầu tư lớn, anh em cùng nhau tập dượt, cảm giác như được tự do sau những ngày bị bó chân bó tay. 

"Trong đại dịch, tôi cảm thấy mọi thứ mong manh lắm. Nên bây giờ nhận được bất cứ cơ hội làm nghề nào với tôi đều quý giá, đặc biệt là lĩnh vực thiếu nhi, nơi tôi luôn ưu tiên số 1. Vì vậy, tôi thực sự hào hứng với kịch bản này nên gửi gắm rất nhiều điều trong đó" - Quang Thảo bộc bạch.

Chương trình Ngày xửa ngày xưa sẽ có 25 suất từ ngày 1-7 đến 7-8. Dự kiến dịp trung thu diễn thêm 4 suất và Noel thêm 4 suất nữa.

Sân khấu bán vé hoàn toàn trên trang mạng Ticketbox và bán từng đợt. 13 suất đầu tiên đã "hết sạch" trong thời gian mở bán rất ngắn. Với nhu cầu quá cao của khán giả nên tin vui cho các khán giả nhí là ông Huỳnh Anh Tuấn đang tính toán có thể tăng thêm 4 suất diễn nữa.

Kịch, xiếc chào đón 1-6 cùng các bé

XIEC

Chương trình kịch rối ở Nhà hát Nụ Cười - Ảnh: LINH ĐOAN

Ngày 1-6 năm nay rơi vào giữa tuần nên có một số đơn vị lên lịch phục vụ các khán giả nhí vào dịp cuối tuần này.

Nhà hát kịch 5B diễn vở kịch thiếu nhi Bộ lạc nanh trắng vào lúc 9h15 ngày 29-5. Cũng ngày 29-5, lúc 9h Nhà hát múa rối Nụ Cười (trong khuôn viên Cung văn hóa Lao động TP.HCM) diễn vở kịch rối Bạch Tuyết và 7 chú lùn.

Các bé không chỉ xem vở mà còn được hóa trang thành nhân vật cổ tích và chụp hình. Lúc 19h30 ngày 28 và 29-5, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam diễn chương trình Mekong show tại rạp xiếc của nhà hát ở công viên Gia Định.

Vào đúng ngày 1-6, sân khấu Hồng Hạc diễn vở kịch thiếu nhi Làm bạn với bầu trời lúc 19h30 tại Nhà văn hóa Thanh niên. Trong ngày 1-6, Nhà hát kịch 5B diễn 2 suất kịch vở Bộ lạc nanh trắng lúc 9h và 16h.

Đặc biệt, bà bầu Mỹ Uyên cho biết sẽ dành mỗi suất khoảng 80 ghế mời các cháu có ba mẹ mất trong đại dịch COVID-19 đến xem. Các doanh nghiệp bạn bè của nghệ sĩ Mỹ Uyên cùng chung tay đóng góp để các bé có thể được xem nghệ thuật miễn phí, xoa dịu phần nào nỗi đau của các cháu.

Ngày 1-6, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam diễn 2 suất, lúc 17h30 vở Ba Tư huyền bí, lúc 19h30 chương trình xiếc tổng hợp. Ngày 2-6, nhà hát diễn xiếc tổng hợp suất 8h. Trong ngày 1-6, công viên văn hóa Đầm Sen cũng phục vụ khán giả nhí các chương trình xiếc, ảo thuật, nhạc thiếu nhi, show kịch rối Tiếng trống thiên cung.

Nguồn: Linh Đoan/tuoitre.vn