Ngành bán lẻ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong "bình thường mới"

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Ngành bán lẻ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong "bình thường mới"

VNDirect nhận thấy triển vọng của ngành bán lẻ năm 2022 khi không giãn cách xã hội và chỉ ra ba xu hướng thúc đẩy tăng trưởng cho ngành bán lẻ sau đại dịch.

Doanh thu hàng hóa bán lẻ phục hồi mạnh mẽ

VNDirect vừa đưa ra Báo cáo ngành bán lẻ năm 2022. Theo đó, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ đều chịu ảnh hưởng của dịch Covid-10, tuy nhiên đã tăng trưởng trở lại từ tháng 10/2021 và sẽ tiếp tục tăng trưởng vào năm 2022.

Theo VNDirect, sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội trong quý III/2021, doanh thu bán lẻ hàng hóa Việt Nam phục hồi mạnh mẽ. Doanh thu các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán trong tháng 10, tháng 11 vừa rồi cũng tăng trưởng mạnh. Có thể kể đến doanh thu của chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) của MWG khi tăng lần lượt 53% và 36%; doanh thu của PNJ tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2020. 

Việt Nam đã bước vào trạng thái "bình thường mới" với chiến lược "sống chung với đại dịch" kể từ tháng 9/2021. Với tỉ lệ tiêm chủng cao và tác động nặng nề của việc gián đoạn chuỗi cung ứng trong quý III/2021, VNDirect cho rằng các nhà bán lẻ và nhà phân phối sẽ không còn chịu giãn cách xã hội trên diện rộng kể từ quý IV/2021.

"Chúng tôi tin rằng các công ty bán lẻ và phân phối niêm yết là những công ty lớn và đã tồn tại được qua Covid-19 sẽ có tốc độ phục hồi mạnh mẽ và trở lại giai đoạn tăng trưởng vào 2022 nhờ 2 lý do: trạng thái "bình thường mới" sẽ ngăn chặn các đợt giãn cách xã hội trong phạm vi rộng; các công ty lớn sẽ chiếm thêm thị phần từ các công ty bán lẻ và phân phối khác đã rời khỏi thị trường" - báo cáo của VNDirect nêu rõ.

Theo đó, VNDirect nhận định ba xu hướng thúc đẩy tăng trưởng cho ngành bán lẻ sau đại dịch.

Thị trường hàng tạp hóa Việt Nam có dư địa tăng trưởng lớn trong dài hạn. (Ảnh minh họa).

Thứ nhất, đa kênh và trực tuyến trở thành động lực chính cho công ty bán lẻ trong "bình thường mới". Theo VNDirect, hiện việc lướt và nghiên cứu về sản phẩm chủ yếu được thực hiện trực tuyến thay vì ngoại tuyến. Đồng thời, tỉ lệ chi tiêu dành cho các kênh ngoại tuyến đang thu hẹp lại - theo nghiên cứu của Facebook và Bain & Company. Trong hai giai đoạn đầu tiên của hành trình tiêu dùng, giai đoạn khám phá và giai đoạn đánh giá ít nhất 80% kênh được người tiêu dùng sử dụng là trực tuyến.

"Đối với các công ty bán lẻ niêm yết, chúng tôi tin rằng việc giới thiệu chiến lược đa kênh để hoàn thành hành trình tiêu dùng là chiến lược đúng đắn để tăng doanh thu" - báo cáo nêu. Việc đưa các gian hàng lên các trang thương mại điện tử sẽ giúp các công ty bán lẻ và nhà phân phối mở rộng tệp khách hàng và tăng doanh thu bán hàng từ các tệp khách hàng mới này.

"Với xu hướng này, chúng tôi kỳ vọng những công ty đã đầu tư và xây dựng nền tảng trực tuyến tốt, xây dựng trang cộng đồng và kênh bán hàng đa dạng trên các trang thương mại điện tử sẽ được hưởng lợi từ xu hướng đa kênh, trong đó MWG và PNJ là những công ty bán lẻ nổi bật" - VNDirect cho hay. 

Thứ hai, nhu cầu ngày càng tăng đối với điện thoại thông minh chính hãng cao cấp và các sản phẩm làm việc tại nhà sẽ tiếp tục sau đại dịch. VNDirect cho rằng đối với điện thoại thông minh cao cấp, dù thị trường điện thoại di động đã dần bão hòa với mức tăng trưởng trong giai đoạn 2019-2021 chỉ khoảng 5- 7%/năm nhưng từ năm 2022, các nhà phân phối điện thoại di động được ủy quyền sẽ duy trì mức tăng trưởng cao hơn.

Tiềm năng và kỳ vọng

VNDirect lý giải nguyên nhân do nhu cầu đối với các sản phẩm cao cấp ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch; việc thắt chặt các quy định về hàng xách tay giúp các nhà bán lẻ được ủy quyền đạt được nhiều thị phần hơn; việc thắt chặt bảo hành với yêu cầu biên lai các sản phẩm chính hãng từ các nhà phân phối ủy quyền cho các sản phẩm Apple sẽ tập trung nhu cầu các sản phẩm của Apple hướng vào các đại lý được ủy quyền.

Đối với sản phẩm làm việc tại nhà, theo điều tra dân số Việt Nam, chỉ có 30,7% hộ gia đình có máy tính (bao gồm cả máy tính để bàn và máy tính xách tay), cho thấy thị trường máy tính vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là trong giai đoạn trong và sau đại dịch khi nhu cầu về các sản phẩm máy tính sẽ tăng mạnh nhờ nhu cầu làm việc tại nhà và giải trí.

Với xu hướng này, VNDirect kỳ vọng MWG và FRT (CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT) sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu đối với các sản phẩm và máy tính xách tay chính hãng của Apple, trong khi DGW (CTCP Thế giới số) và PSD (CTCP Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Dầu khí) sẽ được hưởng lợi từ giai đoạn phân phối tới các nhà bán lẻ.

Thứ ba, chuỗi cửa hàng bách hóa hiện đại được hưởng lợi từ sự chuyển dịch tiêu dùng sau đại dịch sang thương mại hiện đại. Theo Kantar Worldpanel, vào giữa tháng 10/2021, thị phần của các kênh trực tuyến và siêu thị nhỏ đã giảm trở lại khoảng 6-10% sau khi đạt đỉnh trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9/2021, tuy nhiên thị phần vẫn ở mức cao so với trước dịch (khoảng 3% đối với kênh trực tuyến và 5% đối với kênh siêu thị nhỏ) cho thấy khả năng duy trì hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội của các kênh này và sự thay đổi xu hướng tiêu dùng sau đại dịch.

Theo dự báo của Bộ Công thương, đến năm 2025, giá trị gia tăng của khu vực thương mại trong nước sẽ đóng góp khoảng 13,5% GDP và tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng khoảng 9-9,5%/năm trong giai đoạn từ năm 2021- 2025. Tỉ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của kênh thương mại hiện đại đạt khoảng 35-40% vào năm 2025.

"Với dự báo này, ngành thương mại hiện đại có thể duy trì đà tăng trưởng trên hai con số trong suốt giai đoạn 2021-2025. Do đó, doanh nghiệp có chuỗi bán hàng hiện đại sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt hơn thị trường chung" - báo cáo của VNDirect nêu rõ./.

Nguồn: Thu Thảo/doisongphapluat.com