Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động để thu hút nguồn tiền gửi trong dân. Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay là 7,8%/năm, dành cho khách gửi từ 999 tỷ đồng trở lên.
Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm
Khi các kênh đầu tư khác như bất động sản và chứng khoán ngày càng “khó nhằn” hoặc rủi ro cao, người dân bắt đầu chuyển hướng sang gửi tiết kiệm. Đón đầu xu hướng này, từ đầu tháng 4, nhiều ngân hàng đã tiến hành nâng lãi suất tiết kiệm để hút tiền gửi trong dân. Trong đó, nhóm ngân hàng quy mô vừa và nhỏ đều mạnh tay nâng lãi suất tiết kiệm.
Điển hình, ABBank vừa tiến hành tăng từ 0,1-0,4 điểm % lãi suất tiền gửi với kỳ hạn từ 9 tháng trở xuống. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng lên 4%/năm, kỳ hạn 6 tháng tăng lên 5,5% và 9 tháng tăng lên 5,6%/năm.
VPBank cũng nâng lãi suất tại một số kỳ hạn. Cụ thể, tại kỳ hạn 36 tháng, lãi suất tiết kiệm tăng từ 5,1% lên 5,9%, áp dụng khi khách hàng gửi dưới 300 triệu đồng. Tại kỳ hạn 24 tháng, lãi suất huy động cũng tăng từ 5,1-6,1%/năm lên 5,8-6,6%/năm, tùy vào mức tiền gửi. Ngân hàng MB cũng tăng lãi suất từ 0,15-0,2 điểm %/năm tại đa số các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng lên 2,9%/năm, 6 tháng lên 4,4%/năm, 24 tháng 5,75%/năm, 6,6%/năm ở kỳ hạn 36 tháng.
Nhiều ngân hàng khác như Ngân hàng Bản Việt, BacABank, Saigonbank, OCB, Vietbank, PVCombank... cũng tăng lãi suất tiết kiệm 0,1-0,2 điểm % cho các khách hàng gửi tiết kiệm thông thường tại quầy.
Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm
Lãi suất của hình thức gửi tiết kiệm online của nhiều ngân hiện cao hơn hình thức gửi truyền thống tại nhiều kỳ hạn. Và nhiều ngân hàng vẫn đang tiếp tục nâng lãi suất tiết kiệm với hình thức gửi online.
VPBank vừa tăng 0,2 điểm %, tương đương lên 6,9%/năm cho hình thức gửi tiết kiệm online ở kỳ hạn 36 tháng với những khoản tiết kiệm từ 50 tỷ đồng trở lên; từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng, lãi suất tăng 0,6 điểm % từ 6,1% lên 6,7%/năm; tiền gửi dưới 300 triệu đồng, lãi suất tăng 0,5 điểm % lên 6,1%/năm. Với kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tiết kiệm online của VPBank cũng tăng 0,4-0,5 điểm %/năm lên 6-6,8%/năm.
Trước đó, Nam Á Bank cũng điều chỉnh tăng từ 0,1-0,3 điểm % ở hầu hết kỳ hạn cho hình thức gửi tiết kiệm online với khách hàng cá nhân.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cộng thêm 0,8 điểm % lãi suất khi gửi online. Theo đó, tại kỳ hạn 15 tháng và 6,8% với kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất 7%/năm khi gửi tiết kiệm online tối thiểu từ 1 triệu đồng.
Lãi suất tiền gửi online tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) trong tháng 4/2022 cũng tăng từ 5,6%/năm lên 6,2%/năm tại kỳ hạn 6 tháng; từ 5,9%/năm lên 6,4%/năm tại kỳ hạn 9 tháng; từ 6,3%/năm lên 6,5%/năm tại kỳ hạn 12 tháng.
Tại HDBank, lãi suất tiền gửi online kỳ hạn 1 tháng 1 tăng từ 3,1%/năm lên 3,8%/năm; kỳ hạn 3 tháng tăng từ 3,2%/năm lên 3,9%/năm; kỳ hạn 6 và 9 tháng tăng từ 5,4%/năm lên 5,6%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng từ 5,7%/năm lên 5,95%/năm.
Trong khi hầu hết ngân hàng tư nhân đã tăng lãi suất từ đầu năm 2022 thì lãi suất huy động của nhóm Big4 (gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) vẫn đứng im trong suốt nửa năm trở lại đây.
Nhiều chuyên gia nhận định, mặt bằng lãi suất huy động trong năm nay sẽ tăng do nhu cầu vốn tăng lên, áp lực lạm phát gia tăng và cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán. Chứng khoán VnDirect cho hay lãi suất huy động năm nay sẽ tăng 0,3-0,5 điểm %.
Lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay?
Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay là 7,8%/năm xuất hiện tại Techcombank. Nhưng để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải gửi từ 999 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 12 tháng.
Ảnh minh họa
Một số ngân hàng đang có lãi suất trên 7% như SCB (7,6%/năm), NamABank (7,4%/năm), MSB (7%/năm)... hay xấp xỉ 7%/năm như LienVietPostBank (6,99%/năm), MBBank (6,9%/năm), VietBank (6,9%/năm), Việt Á (6,9%/năm),… Song để được hưởng mức lãi suất này tại một số ngân hàng, khách hàng cần đáp ứng điều kiện gửi số tiền lớn từ vài trăm tỷ đồng trở lên.
Tại nhóm Big 4, VietinBank có lãi suất cao nhất ở mức là 5,6%/năm. Còn mức cao nhất tại các ngân hàng Vietcombank, Agribank và BIDV cùng là 5,5%/năm.
Ở từng kỳ hạn, chênh lệch lãi suất huy động giữa các ngân hàng hiện nay khá lớn. Chẳng hạn, tại kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiền gửi của Vietcombank và Vietinbank chỉ 4%/năm, trong khi nhiều ngân hàng khác lại lên tới trên 6%/năm.
Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng tại quầy dao động từ 2,9-4%. GPBank là ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất.
Tại kỳ hạn 3 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy trong khoảng 3,3-4%. Ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn này vẫn là GPBank.
Với kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy từ 4-6,7%. Vị trí dẫn đầu về lãi suất huy động ở kỳ hạn này là CBBank.
Kỳ hạn 9 tháng, lãi suất huy động tại quầy ở mức 4-6,6%. Ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn này vẫn là CBBank.
Còn với kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy là 5,39-7,05%. Đứng đầu về mức lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn này là CBBank.
Với kỳ hạn 18 tháng, lãi suất huy động tại quầy trong khoảng 5,5-7,1%. CBBank là ngân hàng có mức lãi suất tốt nhất ở kỳ hạn này.
Với các kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, các ngân hàng đưa ra mức lãi suất huy động quanh mức 5,3-7,1%. CBBank vẫn ở vị trí quán quân về lãi suất huy động ở các kỳ hạn này.
Trong khi đó, lãi suất gửi tiền online tại một số ngân hàng hiện đang cao hơn lãi suất gửi tại quầy từ 0,1-0,3%./.
Nguồn: Tuấn Dũng/vietnamet.vn