Nếu thắng ông Trump, bà Harris hứa làm điều này ngay khi nhậm chức Tổng thống Mỹ

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Nếu thắng ông Trump, bà Harris hứa làm điều này ngay khi nhậm chức Tổng thống Mỹ

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có buổi phỏng vấn truyền hình đầu tiên kể từ khi tranh cử tổng thống, giới thiệu lập trường dẫn dắt nước Mỹ nếu thắng cử.

Trong buổi phỏng vấn được phát sóng trên Đài CNN vào sáng 30.8 (giờ Việt Nam), bà Kamala Harris nhấn mạnh sẽ thực hiện những đề xuất chính sách nhằm "hỗ trợ và củng cố tầng lớp trung lưu" trong ngày đầu nhậm chức nếu thắng cử. Tuy nhiên, bà không nêu cụ thể những nội dung chính sách hay có ký sắc lệnh hành pháp nào hay không.

Bà Harris cho biết dù có những thay đổi về lập trường nhưng giá trị của bà vẫn không đổi.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris xuất hiện tại sân bay bang Georgia ngày 28.8- ẢNH: REUTERS

Tôi nghĩ khía cạnh quan trọng nhất và quan trọng nhất trong quan điểm và quyết định chính sách của tôi là các giá trị của tôi không thay đổi". "Bạn đã đề cập đến Thỏa thuận Xanh mới (Green New Deal). Tôi luôn tin tưởng và đã nỗ lực giải quyết vấn đề đó, cho rằng cuộc khủng hoảng khí hậu là có thật, đây là vấn đề cấp bách mà chúng ta nên áp dụng các tiêu chuẩn bao gồm việc tuân thủ đúng hạn các mục tiêu".

Chiến dịch tranh cử của bà sau đó cho biết phó tổng thống không tiếp tục ủng hộ Thỏa thuận Xanh Mới, một đề xuất trên phạm vi rộng nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2019. Thời điểm đó, bà cho biết sẽ ủng hộ việc cấm khai thác dầu đá phiến, song đến nay đã lật ngược quyết định này.

"Tôi sẽ không cấm khai thác dầu đá phiến trên cương vị tổng thống", bà nói.

Bà Harris cũng đề cập Đạo luật giảm lạm phát của chính phủ, bao gồm cung cấp các khoản đầu tư kỷ lục để chống lại biến đổi khí hậu, là một ví dụ về lập trường trong vấn đề khí hậu.

Về vấn đề nhập cư, bà nhấn mạnh sẽ áp dụng những quy định khiến người nhập cư trái phép phải chịu "hậu quả".

Phó tổng thống Harris nói rằng người dân Mỹ đã sẵn sàng "bước sang trang mới", đổ lỗi cho cựu Tổng thống Donald Trump đã gây chia rẽ đất nước.

"Đáng buồn là trong thập niên qua, chúng ta có một cựu tổng thống thúc đẩy một chương trình nghị sự và một môi trường làm giảm đi đặc điểm và sức mạnh của người Mỹ chúng ta, thực sự chia rẽ đất nước chúng ta", bà nói.

Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ cũng giải thích việc thay đổi lập trường về vấn đề khai thác dầu đá phiến và nhập cư. 

Bà Harris nêu thêm đang cân nhắc bổ nhiệm một thành viên đảng Cộng hòa cho vị trí nội các với lý do sẽ "mang lại lợi ích cho công chúng Mỹ".

Bà Harris được cho là đang chịu sức ép phải có những lập trường cụ thể về chính sách. Theo CNN, làn sóng ủng hộ bà khi thay Tổng thống Joe Biden tranh cử đến từ việc đảng Dân chủ hào hứng trước một người có thể mang lại khả năng cạnh tranh mới, thay vì đến từ đề xuất hay chính sách cụ thể của phó tổng thống Mỹ.

Khi buổi phỏng vấn được lên sóng, ông Trump đã có bài đăng trên mạng xã hội Truth Social chỉ với một từ: "Nhàm chán!".

Cuộc gọi “truyền đuốc” từ ông Biden

Cũng trong buổi phỏng vấn với CNN, bà Harris kể lại khoảnh khắc nhận cuộc gọi từ Tổng thống Joe Biden thông báo rút lui.

“Tôi có thể sẽ chia sẻ hơi nhiều thông tin đấy. Tôi đang ở cùng gia đình, có cả các cháu gái. Chúng tôi vừa ăn bánh kếp và đang giải câu đố thì điện thoại reo. Đó là Joe Biden và ông ấy nói về quyết định của bản thân”, bà Harris nói.

“Tôi hỏi lại: ‘Ông chắc chứ?’ và được ông ấy đáp ‘Đúng vậy’”, bà tiếp lời.

Tổng thống Biden thông báo dừng tranh cử vào ngày 21.7 và ủng hộ bà Harris trở thành ứng viên tổng thống đảng Dân chủ. Trong hơn một tháng vận động tranh cử, bà Harris nhận được đông đảo ủng hộ từ cử tri và quan chức Dân chủ, cũng như các nhà tài trợ. Nhiều hãng truyền thông sử dụng từ “tuần trăng mặt” để nói về giai đoạn thăng hoa trên đường tranh cử của đương kim phó tổng thống.

Bà Harris nói bà biết rõ ràng ông Biden sẽ ủng hộ bà làm người thay ông tranh cử, nhưng ngay lúc biết tin, bà không nghĩ về bản thân mà nghĩ về ông Biden. Bà khẳng định không hề hối hận khi sát cánh cùng ông Biden trong mọi thử thách và những lúc khó khăn khi có những lo ngại về sức khỏe của tổng thống.

Bà Harris và ông Tim Walz trong buổi phỏng vấn vừa được phát sóng trên Đài CNN - ẢNH: CNN

Ông Tim Walz nói về chuyện vợ chồng hiếm muộn

Thống đốc bang Minnesota Tim Walz, ứng viên phó tổng thống đảng Dân chủ, kể lại vợ chồng ông đã phải điều trị chứng hiếm muộn và mô tả trải nghiệm đó "giống như địa ngục và các gia đình đều thấu hiểu điều này”.

Cùng tham dự phỏng vấn với bà Harris, ông Walz được hỏi về tuyên bố rằng gia đình đã trải nghiệm phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm để có con.

“Tôi đã nói về những phương pháp mà chúng tôi có thể áp dụng. Điều này trái ngược với những người đang cố tước đi quyền đó của chúng ta”, ông Walz nói, được cho là ám chỉ các chính sách thai sản của đảng Cộng hòa.

Người vợ là bà Gwen Walz hồi đầu tháng 8 cho biết bà không sử dụng thụ tinh trong ống nghiệm mà là thụ tinh trong tử cung (IUI).

Trước khi buổi phỏng vấn được phát sóng, ông Trump cho biết sẽ bảo vệ quyền tiếp cận phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và để chính phủ hoặc các công ty bảo hiểm chi trả.

Ông Tim Walz cũng phản hồi về những cáo buộc nói ông che dấu sự thật về lý lịch khi ở trong quân ngũ và vấn đề sinh sản của gia đình. Ông thừa nhận có thể đã dùng ngôn từ không chính xác. "Tôi chắc chắn chịu những sai lầm do bản thân gây ra", ông nói./.

Nguồn: Bảo Hoàng/thanhnien.vn