Nếu bằng cấp 3 của ông Thích Chân Quang là giả, quy trình xử lý sẽ ra sao?

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Nếu bằng cấp 3 của ông Thích Chân Quang là giả, quy trình xử lý sẽ ra sao?

Nếu cơ quan điều tra kết luận bằng cấp 3 của ông Thích Chân Quang là giả thì có thể khởi tố vụ án, đồng thời ông này sẽ bị thu hồi bằng đại học và bằng tiến sĩ.

Ngày 13/8, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM báo cáo việc ông Thích Chân Quang (65 tuổi, tên thật Vương Tấn Việt) không đăng ký thi tốt nghiệp, không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa ngày 6/6/1989.

Thông tin này gây xôn xao dư luận vì năm 2001 ông Thích Chân Quang tốt nghiệp Đại học ngành Tiếng Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ (nay là Trường Đại học Hà Nội); đến năm 2002, ông được Đại học Luật Hà Nội cấp bằng tiến sĩ chỉ sau 2 năm 3 tháng theo học.

Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp), vụ việc này sẽ không dừng lại ở đây, cơ quan thanh tra hoặc cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ và kết luận bằng tốt nghiệp bổ túc THPT của ông Thích Chân Quang có phải bằng giả hay không.

"Sự việc có dấu hiệu của hành vi làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, sử dụng tài liệu con dấu giả. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu hình sự nên có thể cơ quan chức năng sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cơ quan có thẩm quyền cần thu hồi bản chính bằng tốt nghiệp THPT năm 1989 và các bản sao có chứng thực để giám định chữ ký, con dấu ở trong các tài liệu này", luật sư Đặng Văn Cường nói.

Ông Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang) không có tên trong danh sách cấp bằng bổ túc văn hóa cấp 3 tại Sở GD&ĐT TP.HCM

Luật sư phân tích, nếu bằng tốt nghiệp bổ túc THPT của ông Thích Chân Quang là giả, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, tội sử dụng tài liệu giả theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự để xử lý những người vi phạm.

Theo quy định của pháp luật, bằng tốt nghiệp THPT là giấy tờ ghi nhận năng lực trình độ của người học khi đã trải qua thời gian học tập, làm bài thi đạt kết quả theo quy định. Bằng tốt nghiệp THPT phải do cơ quan tổ chức có thẩm quyền cấp, ký theo quy định của pháp luật về giáo dục và đào tạo.

"Về nguyên tắc, cơ quan nào đào tạo cơ quan đó sẽ cấp bằng tốt nghiệp. Trong bản photo bằng tốt nghiệp lan truyền trên mạng xã hội có con dấu, chữ ký, có ngày tháng cấp, có số vào sổ. Tuy nhiên, cơ sở giáo dục lại khẳng định không có việc cấp bằng tốt nghiệp này, đây là một trong các căn cứ để xác định bằng cấp mà ông Việt sử dụng là bằng giả", luật sư Cường nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, để xem xét xử lý bằng chế tài pháp luật, cơ quan chức năng cần thu thập bản chính của bằng tốt nghiệp này để giám định, có kết luận của phòng kỹ thuật hình sự hoặc Viện Khoa học Hình sự trước khi quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.

Ông Thích Chân Quang (thứ hai từ phải qua) nhận bằng Tiến sĩ Luật tháng 4/2022 (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam)

Trong trường hợp xem xét xử lý hình sự về tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, sử dụng tài liệu con dấu giả theo Điều 341, cơ quan điều tra cũng cần xem xét đến thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ xác định thời điểm thực hiện hành vi phạm tội (nếu có), căn cứ vào quy định pháp luật về thời hiệu, về dấu hiệu cấu thành tội phạm để xem xét xử lý theo quy định.

Nếu kết luận bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc của ông Vương Tấn Việt là bằng giả, cơ quan điều tra cần thông báo cho trường Đại học Ngoại ngữ và Đại học Luật Hà Nội. Các cơ sở giáo dục này sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật để thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp đại học và bằng tiến sĩ đã cấp cho ông Thích Chân Quang trước đó.

Trong vụ việc này, hai cơ sở giáo dục và đào tạo trên có thể được xác định là bị hại, có thể bị ảnh hưởng đến uy tín trong khi họ không thể biết bằng tốt nghiệp THPT mà ông này cung cấp là bằng giả (nếu chỉ nhìn bằng mắt thường).

Bên cạnh đó, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng sẽ xem xét để có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với hành vi gian dối, giả mạo của tu sĩ, gây ảnh hưởng đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động tôn giáo trong thời gian qua./.

Nguồn: Minh Tuệ/vtcnews.vn