Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do thảm họa cháy rừng

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do thảm họa cháy rừng

Thảm họa cháy rừng tại Mỹ đang gây ra những rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe người dân. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ hôm qua (10/1) đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng tại bang California để giải quyết những tác động về sức khỏe từ cháy rừng ở Los Angeles.

Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS), việc ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng giúp các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Trung tâm Dịch vụ Medicare & Medicaid (CMS) thuộc chính phủ Mỹ có nhiều sự linh hoạt hơn trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe khẩn cấp của những người tham gia các chương trình bảo hiểm Medicare và Medicaid. Cơ quan Chuẩn bị và Ứng phó Chiến lược (ASPR) của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cũng đã sẵn sàng triển khai lực lượng ứng phó, cùng với thiết bị và vật tư y tế nếu California yêu cầu.

Diện tích các đám cháy rừng lan rộng hơn 117 km2. Khói đen, không khí khét lẹt bao trùm cả một vùng rộng lớn. Các hạt bụi từ cháy rừng kết hợp với tro đang gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.

Cháy rừng ở California, Mỹ làm ảnh hưởng môi trường không khí. Ảnh: Reuters

Người phát ngôn của Hiệp hội Phổi quốc gia Mỹ, bác sĩ Afif El-Hasan cảnh báo: "Bản thân các hạt vật chất từ những đám cháy rừng này có thể gây ra một số vấn đề rất nghiêm trọng, không chỉ đối với những người mắc bệnh phổi mà còn đối với những người mắc bệnh tim, người già và trẻ nhỏ".

Ông Carlos Gould, một nhà khoa học về sức khỏe môi trường giải thích thêm: “Nồng độ các hạt bụi mịn ở khu vực Los Angeles đã đến mức báo động, dao động từ 40 - 100 microgram/m3, vượt xa mức tối đa được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị là 5 microgram/m3”.

Trong bối cảnh tần suất và cường độ của cháy rừng tại Mỹ trong những năm gần đây ngày càng tăng, một nghiên cứu gần đây nêu bật những rủi ro về sức khỏe do khói cháy rừng gây ra, theo đó việc tiếp xúc lâu dài với khói cháy rừng có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc chứng mất trí. Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu thu thập từ năm 2008 đến 2019 của 1,2 triệu cư dân trên 60 tuổi tại miền Nam California. Nghiên cứu chỉ ra rằng cứ mỗi 1 microgam/m3 (mcg/m3) nồng độ khói ô nhiễm từ cháy rừng tăng thì nguy cơ chẩn đoán mắc chứng mất trí tăng 18%. Ngoài ra, việc tiếp xúc với bụi mịn PM2.5 không phải từ cháy rừng cũng làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí, song ở mức độ thấp hơn nhiều.

Bang California đang gánh chịu những thiệt hại đáng kể không chỉ về người và cơ sở hạ tầng mà còn những tác động tiêu cực về môi trường. Người dân địa phương cũng vừa được cảnh báo không sử dụng nước máy để uống hoặc nấu ăn ở những khu vực gần đám cháy do nguy cơ nhiễm bẩn. Các khu vực đông dân cư đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề nếu ngọn lửa không được dập tắt kịp thời.

Các chuyên gia dự đoán rằng, thiệt hại sẽ còn tăng nếu không có các biện pháp khẩn cấp hiệu quả nhằm kiểm soát các đám cháy, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, cũng như giảm thiểu tác động về kinh tế và môi trường. Hôm qua, cổ phiếu của các công ty bảo hiểm như Travelers, Allstate và Chubb đồng loạt giảm sau khi AccuWeather công bố ước tính thiệt hại và tổn thất kinh tế do cháy rừng ở California gây ra là từ 135 tỷ đến 150 tỷ USD./.

Nguồn: Phương Anh/vov.vn