Metro số 2 ở TPHCM gặp trở ngại lớn trước thềm khởi công

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Metro số 2 ở TPHCM gặp trở ngại lớn trước thềm khởi công

Metro số 2 được đầu tư gần 47.900 tỉ đồng, dự kiến khởi công năm 2025, nhưng gặp nhiều trở ngại về vốn, tư vấn, giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng.

Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) được phê duyệt vào năm 2010 với tổng mức đầu tư ban đầu 1,3 tỉ USD (tương đương 26.000 tỉ đồng). Đến năm 2019, mức đầu tư được điều chỉnh lên 2,1 tỉ USD (gần 47.900 tỉ đồng). Trong đó, vốn vay ODA chiếm phần lớn, với 37.487 tỉ đồng từ ba nhà tài trợ chính: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).

Di dời hạ tầng kỹ thuật tuyến Metro số 2 trên đường Cách Mạng Tháng 8. Ảnh: Anh Tú

Dự kiến ban đầu, tuyến Metro số 2 sẽ đi vào vận hành từ năm 2026. Tuy nhiên, do nhiều trở ngại, TPHCM đã điều chỉnh thời gian hoàn thành đến năm 2030.

Báo cáo gần đây từ Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) cho thấy nhiều vấn đề tiếp tục gây trì hoãn. Việc thu xếp tài chính cho dự án gặp nhiều khó khăn do thay đổi các điều kiện vay vốn từ các nhà tài trợ quốc tế. Đặc biệt, việc bổ sung khoản vay từ KfW cho gói thầu tư vấn CS2B bị trì hoãn do các thủ tục chưa được hoàn tất. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ khi phải chờ các sở ngành liên quan báo cáo và thông qua UBND TPHCM trước khi trình Bộ Tài chính phê duyệt phương án tài chính.

Phối cảnh Metro số 2 đoạn đi ngầm qua công viên Lê Thị Riêng (Quận 10, TPHCM). Ảnh: MAUR

Gói thầu tư vấn CS2B, vốn đóng vai trò quan trọng trong giám sát thi công, cập nhật thiết kế và lựa chọn nhà thầu chính, đang tạm ngưng đóng/mở thầu do vấn đề tài chính từ KfW.

Gói thầu này có giá trị khoảng 55,26 triệu EURO (tương đương 63 triệu USD), dự kiến thực hiện từ năm 2025-2032 nhưng vẫn chưa thể triển khai do chưa đảm bảo nguồn vốn cần thiết.

Theo MAUR, để đạt được mục tiêu hoàn thành công tác xây dựng Metro số 2 vào năm 2030, công tác thi công phải được triển khai vào năm 2025. Việc cập nhật hồ sơ mời thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu chính của dự án cần hoàn thành trong năm 2025, đồng nghĩa với việc phải huy động được tư vấn CS2B trong thời gian sớm nhất.

Di dời hạ tầng kỹ thuật Metro số 2. Ảnh: Anh Tú

Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật (bao gồm điện, cấp nước, thoát nước, cây xanh, viễn thông) bắt đầu từ tháng 3.2024, nhưng tiến độ vẫn chậm. Tiến độ mới đạt 27% kế hoạch, mặc dù thi công đã triển khai ở 12 vị trí nhà ga và đoạn đào hở.

MAUR cho biết, tiến độ thi công ngoài công trường bị ảnh hưởng do đặc thù thi công trong đô thị chật hẹp, nhiều điểm giao cắt phức tạp và nhiều bên tham gia phối hợp.

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn vướng mắc ở các quận.

Dự án Metro số 2 đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú với diện tích giải tỏa hơn 251.000 m2, ảnh hưởng đến 585 hộ dân và tổ chức.

Tỉ lệ bàn giao mặt bằng đã đạt 98,46% (576/585 trường hợp), nhưng còn lại 9 trường hợp ở Quận 3 và Tân Bình chưa hoàn thành.

UBND TPHCM đã chỉ đạo các quận thực hiện các thủ tục cưỡng chế để đảm bảo tiến độ, dự kiến hoàn tất vào cuối quý IV/2024.

Toàn tuyến Metro số 2 dài hơn 11 km, trong đó 9,2 km đi ngầm, còn lại chạy trên cao và đường dẫn vào depot Tham Lương (Quận 12). Dự án có 9 ga ngầm, một ga trên cao.

Theo kế hoạch, tuyến Metro số 2 sẽ thi công trong 5 năm và được đưa vào khai thác cuối năm 2030.

Công trình khi hoàn thành sẽ kết nối Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tại ga Bến Thành (Quận 1) và nhiều tuyến khác trong tương lai, thuận lợi cho người dân di chuyển theo trục Đông - Tây vào trung tâm TPHCM./.

Nguồn: Minh Quân/laodong.vn