Lý giải nguyên nhân mẫu giấy xác nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 có tới 7 mũi

Phiên bản để inGửi EmailPhiên bản PDF
Lý giải nguyên nhân mẫu giấy xác nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 có tới 7 mũi

Mẫu giấy xác nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 mới do bộ Y tế ban hành có thể chứng nhận tới mũi tiêm thứ 7, khiến nhiều người băn khoăn.

Hiểu đúng về các mũi cơ bản, bổ sung và nhắc lại

Theo báo Lao động, ngày 7/1, bộ Y tế đã ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung về hướng dẫn, tổ chức buổi tiêm vaccine ngừa  COVID-19. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là việc thay đổi mẫu giấy xác nhận đã tiêm vaccine COVID-19.

Cụ thể, mấu giấy mới được bổ sung các thông tin liên quan mũi tiêm liều cơ bản (3 mũi), liều bổ sung (một mũi) và liều nhắc lại (3 mũi) theo hướng dẫn của bộ Y tế. 

Giải thích về sự thay đổi trên,  TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: "Có một số nội dung người dân cần hiểu thế nào gọi là mũi cơ bản, mũi bổ sung và mũi nhắc lại".

Mẫu giấy xác nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 cũ và mới. Ảnh: Báo Lao động

Trong đó, liều cơ bản là mũi tiêm được các nhà sản xuất vaccine hướng dẫn và thực hành tiêm chủng đủ. Mỗi hãng sản xuất vaccine COVID-19 sẽ có số liều cơ bản khác nhau. Ví dụ như vaccine AstraZeneca, vaccine Moderna hay Pfizer/BioNtTech có liều cơ bản là 2 mũi tiêm, trong khi vaccine Abdala của Cuba có liều cơ bản là 3 mũi còn vaccine Johnson&Johnson có liều cơ bản là 1 mũi.

TS Phạm Quang Thái phân tích, sau khi tiêm đủ liều vaccine cơ bản, các nhà khoa học nhận thấy sau một thời gian, miễn dịch trong cơ thể sẽ giảm dần, đó là lúc người dân cần tiêm mũi tăng cường. Trường hợp người có miễn dịch kém (ung thư, HIV hoặc bệnh nhân ghép tạng) dù đã được tiêm liều cơ bản nhưng do đáp ứng miễn dịch yếu nên phải được tiêm một mũi vaccine nữa, gọi là mũi bổ sung.

Tri thức trực tuyến thông tin, TS Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng phòng, Quản lý tiêm chủng và An toàn sinh học, Cục Y tế dự phòng, bộ Y tế, cho biết hiện nay, các nước trên thế giới đều có lịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 bao gồm tiêm các mũi cơ bản, tiêm bổ sung và tiêm mũi nhắc lại. Trong đó:

Về các liều cơ bản: Hầu hết tiêm 2 mũi như vaccine AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sputnik V... chỉ có vaccine Abdala (chiếm 1-2%) của Cuba tiêm 3 mũi. Do đó, phần điền vào liều cơ bản gồm 3 vị trí.

Về liều bổ sung: Tiêm một mũi cho đối tượng tiêm là người từ 18 tuổi trở lên bao gồm người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng (chiếm khoảng 2,5%); người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine của hãng Sinopharm hoặc Sputnik V (chiếm khoảng 25%).

Về mũi tiêm nhắc lạiTiêm 1 mũi sau 3 tháng để tăng cường miễn dịch. Một số nước đã tiêm mũi 2 nhắc lại; việc tiêm các mũi nhắc tiếp theo khi có các thông tin khoa học, kinh nghiệm thực tiễn của các nước cũng như khuyến cáo của của Tổ chức y tế thế giới.

Phần lớn người dân chỉ tiêm đến 3-4 mũi vaccine

Hiện nay Việt Nam mới chỉ tiến hành tiêm nhắc 1 mũi. Do đó, phần lớn người dân mới chỉ tiêm đến 3 mũi vaccine (gồm 2 mũi cơ bản + một mũi nhắc lại). Một số người có hệ miễn dịch bị suy giảm và cần tăng cường thêm miễn dịch cho một số loại vaccine sẽ tiêm 4 mũi (2 mũi cơ bản + một mũi bổ sung + một mũi nhắc lại). 

Hiện nay, phần lớn người dân chỉ mới tiêm đến 3-4 mũi vaccine ngừa COVID-19. 

Trên cơ sở cập nhật những thay đổi trong việc khuyến cáo tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại trên thế giới, bộ Y tế đã sửa đổi mẫu xác nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 sao cho phù hợp. TS Tùng cho biết mẫu giấy xác nhận này không chỉ tích hợp thông tin đã tiêm chủng đến hiện tại mà còn hướng đến tương lai.

Ông Tùng giải thích: "Giấy xác nhận này sẽ tạo thuận lợi cho người được tiêm chủng và các cơ quan trong việc xác định loại vaccine được tiêm bổ sung và nhắc lại. Mẫu giấy xác nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 được tích hợp với các nền tảng công nghệ, tránh khi thay đổi mẫu xác nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ khó khăn trong việc tích hợp vào nền tảng công nghệ". 

Ngoài ra, việc mẫu giấy chứng nhận mới gồm tiêm 7 mũi còn để có thêm chỗ ghi thời gian và tên vaccine tiêm cho một số trường hợp đặc biệt. 

Như với vaccine Abdala của Cuba có liều cơ bản là 3 mũi, nhưng nếu người có miễn dịch kém họ cần tiêm liều bổ sung và sau đó tiêm liều nhắc lại. Như thế trường hợp này phải cần tiêm khoảng 5 mũi.

Hoặc có trường hợp tiêm vaccine thử nghiệm 2 mũi nhưng vaccine chưa được cấp phép, để tăng cường miễn dịch, họ sẽ phải tiêm lại vaccine đã được cấp phép từ mũi đầu tiên. Như vậy, trường hợp này nếu tiêm đủ hết mũi tiêm thông thường và tăng cường sẽ cần tới 7 chỗ để ghi mũi tiêm vaccine gồm: 2 mũi thử nghiệm; 2-3 mũi cơ bản; 1 mũi bổ sung (nếu có bệnh lý nền) và 1 mũi nhắc lại. 

Bên cạnh đó, còn có thể có một vài trường hợp tiêm vaccine ở nước ngoài nhưng vaccine không phù hợp với hướng dẫn của Việt Nam nên họ sẽ phải tiêm lại khi về nước./.

Nguồn: Minh Hạnh (T/h)/doisongphapluat.com